Đất đai là tài sản đặc biệt, tài nguyên vô cùng quý giá, nguồn sống của nhân dân và là nguồn lực to lớn của đất nước. Giải quyết tốt chính sách đất đai sẽ thúc đẩy giải phóng sức lao động, các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai luôn là vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm.
Về vấn đề này, ngày 10-7 vừa qua, kết luận hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và một năm thi hành Luật Đất đai năm 2024, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TƯ làm cơ sở sửa đổi Luật Đất đai năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp”.
Thực vậy, đất đai là một trong những vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan tới quá khứ, hiện tại, tương lai, tôn giáo, dân tộc, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng. Việc phân bổ, sử dụng đất liên quan đến lợi ích của nhiều nhóm đối tượng khác nhau: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Sự đan xen này khiến quá trình quản lý và điều tiết đất đai trở nên phức tạp, dễ nảy sinh mâu thuẫn và khiếu kiện. Bên cạnh đó, giá trị đất đai không ngừng gia tăng cũng khiến đất trở thành "tài sản chiến lược", dẫn đến nhiều hệ lụy như đầu cơ, tham nhũng, trục lợi chính sách...
Với người dân, nhất là nông dân, đất đai không chỉ là tài sản mà còn là sinh kế. Nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng cũng không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù, mất tình nghĩa cha con, anh em vì đất. Bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách, quy hoạch, thu hồi hay bồi thường đất đều có thể tác động mạnh mẽ tới cuộc sống của người dân. Đó là lý do vì sao các tranh chấp đất đai luôn là điểm nóng trong xã hội, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các vụ khiếu nại, tố cáo. Việc xử lý đất đai không khéo léo, minh bạch sẽ dễ làm mất lòng tin của người dân, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội và hình ảnh của chính quyền…
Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam và thực tiễn gần 40 năm đổi mới, mỗi chủ trương mới của Đảng ta về đất đai đều mang lại những thành tựu lớn cho phát triển đất nước, nâng cao đời sống của người dân. Song, nhìn nhận một cách khách quan, đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Suy thoái, ô nhiễm đất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng đất nông nghiệp, đất dự án bị bỏ hoang còn nhiều…
Để nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy tối đa nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, Luật Đất đai năm 2024 đã được thông qua ngày 18-1-2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực từ ngày 1-8-2024.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và một năm thi hành Luật Đất đai năm 2024, các chính sách pháp luật về đất đai được triển khai đồng bộ, thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai...
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm và phức tạp không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế, mà còn bởi tác động sâu rộng đến xã hội và lòng dân. Hiểu rõ vấn đề này nên kết luận hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TƯ làm cơ sở sửa đổi Luật Đất đai năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật về đất đai để phù hợp thực tiễn, tăng cường quản lý và phát triển bền vững đất nước.
Nước ta đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thay thế cho mô hình 3 cấp trước đây. Trong bối cảnh mới, thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần chú trọng giải quyết căn cơ vấn đề đất đai, tiếp tục đổi mới tư duy quản lý theo hướng bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; bổ sung các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có cơ chế, giải pháp xử lý tình trạng chồng chéo giữa các quy hoạch có sử dụng đất; ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị; duy trì hợp lý diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó là thực hiện nghiêm công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm về đất đai để hạn chế tối đa việc sử dụng đất sai mục đích hoặc lãng phí đất đai...
Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu này, nguồn lực đất đai phải được khơi thông, sử dụng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và trở thành động lực mới cho phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.