Năm 2024 khép lại, đánh dấu nhiều khởi sắc đối với khu vực nông thôn của Hà Nội. Hàng chục nghìn tỷ đồng tiếp tục được đầu tư cho khu vực nông thôn, nhiều công trình hạ tầng làng quê được nâng cấp, hoàn thiện. Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã tạo nền tảng vững chắc cho ngoại thành bứt phá mạnh mẽ...
Làng nghề Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) ngày cuối cùng của năm 2024 vô cùng náo nhiệt. Dọc con đường trục chính của làng, những dãy cửa hàng bán sản phẩm chăn, ga, gối, đệm kề nhau san sát. Những chuyến xe hối hả, ngược xuôi chất đầy sản phẩm của làng nghề mang đi khắp nơi tiêu thụ.
Anh Nguyễn Đoàn Đạt, người làng Trát Cầu vừa nhanh tay gấp, buộc những chiếc chăn lông đẹp mắt, vừa chia sẻ: “Đây là nghề truyền thống cha ông chúng tôi để lại. Xưa, các cụ nhà tôi chỉ đi bật chăn bông thuê khắp làng, xã khác. Nay, chúng tôi phát triển đa dạng sản phẩm, từ bình dân tới cao cấp với hơn 50 mẫu chăn (lông tuyết, lông thỏ, lông vũ, lông hồ ly cao cấp...). Đặc biệt, người làng nghề bắt nhịp nhanh công nghệ, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Một ngày ở Trát Cầu có khoảng 15 nghìn đơn hàng chuyển đi các tỉnh”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Nguyễn Hưng Kha, làng nghề Trát Cầu đang tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Ngoài 800/1.000 hộ gia đình làm nghề truyền thống, làng nghề còn tạo việc làm cho từ 500 đến 1.000 hộ gia đình ở các thôn lân cận nhận hàng về gia công. Chưa kể, lao động từ các địa phương khác tới Trát Cầu làm thuê khoảng 2.000 lao động. “Làng chúng tôi vừa may chăn hè, vừa may chăn đông nên có việc làm quanh năm”, ông Kha tự hào nói.
Không riêng Trát Cầu, cả 4 thôn của xã Tiền Phong đều có nghề. Trong đó, thôn Trát Cầu và thôn Ngọc Động chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm; thôn Thượng Cung có nghề mộc dân dụng; thôn Định Quán có nghề mộc điêu khắc. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân của xã đạt 82 triệu đồng/người/năm. Mới đây, Tiền Phong được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội thẩm định đạt xã nông thôn mới nâng cao.
Những đổi thay đến với hầu khắp làng quê trên địa bàn Hà Nội. Tại xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn), gia đình bà Ngô Thị Hương đã đầu tư dây chuyền sản xuất mỳ gạo, công suất 500kg/ngày. Trước đây, gia đình bà chỉ làm thủ công, năng suất rất thấp, giờ làm bằng máy năng suất cao và đỡ nhiều công lao động. Ngoài mỳ sợi bún, sợi phở, gia đình bà còn sản xuất mỳ gạo lứt, mỳ gạo rau xanh… Những ngày này, gia đình bà phải kéo dài thời gian sản xuất trong ngày để chuẩn bị hàng cung cấp cho thị trường cuối năm.
Bên cạnh phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, năm 2024, Hà Nội cũng có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Chuỗi liên kết lúa gạo Khu Cháy (huyện Ứng Hòa), chuỗi trồng và chế biến chè Ba Trại (huyện Ba Vì), các mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ… Thu nhập bình quân của người dân nông thôn hiện đã đạt hơn 73,8 triệu đồng/người/năm.
Năm 2024, khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều đổi thay về diện mạo. Tại huyện Đông Anh, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu được các xã triển khai song hành tiêu chí phát triển phường. Điểm chung của các xã là đều huy động được nguồn lực rất lớn đầu tư xây dựng nông thôn. Chẳng hạn, tại xã Hải Bối, từ năm 2021 đến nay huy động được hơn 527 tỷ đồng; xã Kim Nỗ huy động được hơn 495 tỷ đồng; xã Đại Mạch huy động được hơn 149 tỷ đồng. Với nguồn lực đầu tư lớn cùng sự chung sức từ nhân dân, đến nay, các xã đều có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, sản xuất thuận lợi, chất lượng đời sống người dân không ngừng tăng.
Còn tại huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn cho biết, đến nay, Sóc Sơn đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo kế hoạch, năm 2025, Sóc Sơn tiếp tục phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhằm mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 18 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu hoàn thiện hồ sơ báo cáo thành phố và Chính phủ công nhận huyện Sóc Sơn đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025.
Chung sức cùng Đảng, chính quyền, người dân ở các làng quê cũng tích cực, chủ động tham gia xây dựng quê hương. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Chi bộ khu dân cư Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Ngô Tiến Phương thông tin, khu dân cư Thạch Lỗi có 120 hộ dân nằm dọc từ cầu Trắng đến cầu Đen theo Quốc lộ 2. Để quê hương ngày càng xanh, sạch, đẹp, mỗi tháng, Chi bộ khu dân cư Thạch Lỗi xây dựng một mô hình: Mô hình xanh, tập trung trồng cây; mô hình sạch, tập trung thu gom rác thải, để đúng nơi quy định; mô hình đẹp, tập trung trồng hoa; mô hình an ninh, an toàn thực phẩm...
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, toàn thành phố có 191 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, các xã: Đại Áng, Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực liên tục của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương và là bản lề để Hà Nội tiếp tục đưa nông thôn bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.