(HNM) - Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội đã kịp thời lắng nghe, đề xuất giải quyết các vụ việc phát sinh từ cơ sở; nhân dân tham gia bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực gắn với lợi ích của mình. Nhờ đó, toàn thành phố đã khơi được nguồn sức dân, tạo sự đồng thuận cao trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự.
Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, từ năm 2014 đến nay, huyện Phúc Thọ duy trì tốt việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Nhiều vấn đề nhân dân đề xuất, kiến nghị liên quan đến phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cán bộ, quản lý đất đai, tài nguyên - môi trường, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng ở cơ sở… đã được giải quyết. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phúc Thọ Tô Văn Sáng cho biết, trước khi diễn ra đối thoại, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã tổng hợp kiến nghị của nhân dân theo chuyên đề để khi đối thoại, lãnh đạo huyện trực tiếp trả lời hoặc ủy quyền cho lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn trả lời các kiến nghị với phương châm dân chủ, công khai.
Thôn Nội Am, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Cổng làng bề thế, những con đường bê tông phẳng lì, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, nhà tầng mọc san sát, bà con sống chan hòa, tình cảm. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nội Am Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ: “Thôn được như ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân”. Tạo được niềm tin trong nhân dân là nhờ địa phương đã phát huy dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng nông thôn mới. Khi triển khai xây dựng tuyến đường nào, thôn đều tổ chức họp với các hộ dân sống ở tuyến đường đó để thông báo chủ trương, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, nguồn lực của địa phương và huy động nhân dân đóng góp. Nhờ vậy, mỗi người dân đều nắm rõ thông tin, hiểu rõ quyền và lợi ích của mình để hưởng ứng. Chỉ tính riêng tuyến đường trục chính vào thôn, nhân dân đã góp hơn 3 tỷ đồng, hơn 1 nghìn ngày công, hiến 78m2 đất thổ cư để xây dựng đường khang trang, sạch đẹp.
Phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) có nhiều công trình dự án lớn của thành phố và của quận. Diện tích đất phải giải phóng mặt bằng nhiều, nguồn gốc rất phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Nhờ thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở nên những thắc mắc, trăn trở của người dân đều được phường giải đáp cặn kẽ. Bà Bùi Thị Thu Én, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khương Đình cho biết: MTTQ và các đoàn thể luôn thực hiện tốt vai trò cầu nối, sát dân, thường xuyên gặp gỡ các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con. Khi có vấn đề phát sinh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cùng với chính quyền làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan đến công trình, dự án để giải quyết thấu tình, đạt lý. Cách làm này đã góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, giúp các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tăng cường hiệu quả
Việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở nhằm vận động nhân dân hiểu và thực hiện đúng quyền lợi, nghĩa vụ được quy định, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Những nội dung của Pháp lệnh 34 được các cấp chính quyền và MTTQ gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các phong trào thi đua, các cuộc vận động như, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa...
Vai trò của MTTQ đối với việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở được thể hiện rõ nhất trong việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Qua đó, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân được kịp thời giải quyết, góp phần giảm các vụ khiếu nại, tố cáo, tạo đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp chú trọng, lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân để giám sát và phản biện. Đặc biệt, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương đã phát huy hiệu quả trong công tác thanh tra, giám sát các công trình, dự án, kịp thời kiến nghị với nhà đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết sai phạm trong xây dựng, quản lý đất đai cũng như việc thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định: Những nỗ lực trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội Thủ đô đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thực hiện đúng quyền lợi, nghĩa vụ được quy định trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Thông qua đây, Mặt trận đã làm tốt vai trò đại diện cho nhân dân, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.