(HNM) - Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đã đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, cũng là “kim chỉ nam” soi sáng, khơi nguồn phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung và văn nghệ Thủ đô nói riêng. Nội dung tư tưởng của Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đem lại nhiều thành tựu cho văn nghệ Thủ đô và được tiếp nối, phát triển không ngừng.
Soi đường cho văn nghệ Hà Nội
Đề cương về văn hóa Việt Nam nhấn mạnh 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Cùng với đó, 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới là dân tộc, khoa học, đại chúng. Trong dòng chảy đó, văn học, nghệ thuật Thủ đô cũng có những bước đi đầy tự hào, gặt hái được nhiều thành quả.
Là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn học, nghệ thuật nước nhà, Hà Nội luôn tập hợp được đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo và tài năng. Trong thời kỳ kháng chiến, cùng với văn nghệ sĩ cả nước, những người con Thủ đô vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật có ý nghĩa. Tiêu biểu như các nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân, Vũ Đình Văn; các nhạc sĩ, liệt sĩ Hoàng Việt, Vĩnh Bảo… Nhiều văn nghệ sĩ Thủ đô đã tham gia tích cực vào phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Đọc và làm theo sách, đọc sách người tốt, việc tốt”, biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tuyến…, như: Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Trầm, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa… Sau khi đất nước thống nhất, nhiều văn nghệ sĩ Hà Nội đã trở thành hạt nhân, tham gia xây dựng và phát triển mặt trận văn hóa, văn nghệ cách mạng ở các vùng, miền trên cả nước.
Đặc biệt, từ một chi hội, giới văn nghệ sĩ Thủ đô tập hợp, hình thành Hội Văn nghệ Hà Nội và sau đó là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội. Từ khoảng 200 hội viên, đến nay, Hội đã có hơn 4.000 hội viên, sinh hoạt ở 9 hội chuyên ngành, hoạt động trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ghi nhận, đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Nội đã đóng góp tích cực cho nền văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung; qua đó khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và xây dựng văn hóa Thủ đô thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiếp nối, phát triển không ngừng
Tiếp nối Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về văn hóa, văn học, nghệ thuật, tiếp tục tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm mới. Đặc biệt, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh… Cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ…”.
Hà Nội cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ, để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật Thủ đô. Tiêu biểu gần đây có Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy ngày 17-3-2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, thành tựu của nền văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Mặc dù có chất liệu phong phú, điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật sáng tạo, phát triển, nhưng văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng còn thiếu những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công tác lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải tạo mọi điều kiện để hướng trí tuệ, sức sáng tạo của văn nghệ sĩ vào việc phục vụ lợi ích nhân dân, quốc gia, dân tộc. Bản thân văn nghệ sĩ cần bám sát thực tiễn, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, hướng đến đỉnh cao, phụng sự sự nghiệp kiến thiết Thủ đô và đất nước; hướng con người vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.