(HNMO) - Ngày 15-4, tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Các dân tộc Việt Nam - nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023, nhằm tiếp tục nhận diện, làm rõ nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam, qua đó huy động sáng kiến, giải pháp khơi nguồn lực văn hóa các dân tộc cho mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Với sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ, 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên dải đất hình chữ S, đã đồng lòng tạo nên lịch sử dựng nước, giữ nước qua hàng nghìn năm.
“Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đẩy mạnh, phát triển văn hóa trong chính trị, kinh tế để nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lớn mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa và đạo đức; hướng đến vì con người, vì cộng đồng và vì dân tộc. Trên bình diện đối ngoại quốc tế, Việt Nam đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa để thể hiện sức mạnh và khả năng chuyển hóa các nguồn lực, tài nguyên văn hóa dồi dào của cộng đồng các dân tộc; phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và nâng cao hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý (Hội văn nghệ dân gian Việt Nam), Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc, trong đó, ngoài người Kinh là dân tộc chiếm đa số, còn 53 dân tộc anh em, với vị trí địa lý dài từ Bắc xuống Nam cùng nhiều loại địa hình địa chất và điều kiện khí hậu khác nhau, đã tạo nên nền văn hóa vừa đa dạng, vừa phong phú. Bên cạnh đó, sự đông đảo về các tộc người cùng các nhóm, các ngành trong mỗi dân tộc thiểu số lại tạo nên một bức tranh đa màu sắc về văn hoá của họ. Chính vì vậy, nguồn lực văn hóa của các dân tộc thiểu số rất giàu có và phong phú, không phải quốc gia nào cũng có được ưu thế này.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nêu, trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nguồn lực văn hóa của các tộc người càng trở nên quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, muốn phát huy tốt được nguồn lực này trong phát triển, cần thiết phải nhìn lại cách hiểu, cách ứng xử của xã hội đối với nguồn lực văn hoá các dân tộc thiểu số.
“Hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm, nhận thức, nhiều chính sách và các thực hành ứng xử mang nặng tính định kiến, áp đặt, một chiều, chưa quan tâm đúng mức đến bối cảnh cụ thể, riêng có của mỗi tộc người. Với nhãn quan như vậy, nguồn lực văn hóa các tộc người nhiều khi còn được nhìn nhận sai lệch và vì thế chưa huy động được nguồn lực này vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nói.
Huy động nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển đất nước
Diễn đàn diễn ra trong một buổi sáng với 2 phiên: Tham luận và thảo luận bàn tròn, tập trung phân tích, làm rõ tính đa dạng của văn hóa và tri thức dân tộc, chính sách dân tộc về văn hóa ở Việt Nam, đồng thời, chia sẻ bài học kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, giải pháp đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói riêng, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc nói chung trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, Diễn đàn đã nhận được gần 60 tham luận, đóng góp các ý kiến xoay quanh vấn đề khơi nguồn lực văn hóa các dân tộc trong phát triển đất nước, trong đó, nhiều ý kiến đạt được sự đồng thuận cao tại Diễn đàn, như: Cần chú trọng đào tạo lực lượng “chiến sĩ văn hóa” vừa hồng, vừa chuyên; khai thác nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng “mạng lưới di sản tương đồng”, phát huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa trong thời kỳ cách mạng 4.0; phát huy mô hình du lịch cộng đồng trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số…
GS.TS Bùi Thanh Quang (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nêu nhóm giải pháp nhằm củng cố lòng tin và niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số về các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao dân trí và song hành với việc nâng cao nhận thức của nguồn lực quan phương, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và tầng lớp trí thức người dân tộc; xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa các địa phương…
“Cần đầu tư nguồn lực kinh phí và nhân lực nghiên cứu một cách đồng bộ, khoa học về lịch sử, tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán và các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc; phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa dân tộc thiểu số với người Kinh; quan tâm bảo vệ các cơ cấu tổ chức xã hội truyền thống là bản, làng với các già làng, trưởng bản; sưu tầm, nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong văn hóa các tộc người; gắn văn hóa dân tộc với các hoạt động du lịch để vừa quảng bá văn hóa dân tộc, vừa phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, GS.TS Bùi Thanh Quang đề xuất.
Theo PGS.TS nguyễn Duy Thiệu (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), du lịch văn hóa các dân tộc đang trở thành trào lưu tìm về tính đích thực của văn hóa cội nguồn. Các nhà dân tộc học cần đi tiên phong trong việc nghiên cứu những tác động của ngành du lịch tới các nền văn hóa của các tộc người, từ đó đề ra các giải pháp giúp thay đổi từ nhận thức đến thiết lập chiến lược, chính sách cũng như thực thi các chiến lược, chính sách ấy trong thực tiễn cho mục tiêu “kép”: Coi văn hóa truyền thống như là các sản phẩm cần khai thác để phát triển du lịch, và ngược lại, “mượn” du lịch để bảo tồn, tái phục dựng văn hóa truyền thống.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh, nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi cộng đồng nên việc nghiên cứu vừa tổng thể, bao quát, vừa chuyên sâu, cụ thể về nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số là vô cùng cần thiết để nhận diện nguồn lực văn hoá này một cách chính xác, đầy đủ, cập nhật và đặc biệt là không định kiến, giúp cho việc hiểu sâu về quá trình hình thành và phát huy nguồn lực văn hoá các dân tộc thiểu số, từ đó có những chiến lược, hành động thiết thực để phát huy tốt nguồn lực văn hóa này trong phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.