Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi nghiệp trong trường học: Rào cản kinh phí

Thống Nhất| 20/12/2018 06:56

(HNM) - Câu chuyện khởi nghiệp sớm không còn quá xa lạ với nhiều sinh viên, nhất là từ khi Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 30-10-2017, được triển khai.

Tuổi trẻ Thủ đô tham quan không gian khởi nghiệp sáng tạo tại Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VII - nhiệm kỳ 2018-2023. Ảnh: Thái Hiền


Đưa khởi nghiệp vào chương trình học

Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 đã đem lại một luồng sinh khí mới, sự hào hứng cho học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, khát khao biến ý tưởng sau mỗi bài học thành hiện thực.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, sau một năm khởi động, đề án đã tạo nền tảng hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp bền vững hơn; tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của học sinh, sinh viên trong việc học tập và ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại các nhà trường có sự chuyển biến mạnh, minh chứng là hàng nghìn sản phẩm, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã ra đời, trong đó, mới đây, nhiều dự án khả thi được giới thiệu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên.

Đã có những dự án rõ tính ứng dụng, đang được một số doanh nghiệp xem xét hỗ trợ triển khai như dự án Inut Platfom - hệ sinh thái kết nối vạn vật của nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; dự án VADI - Trợ lý ảo dành cho lái xe của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; dự án Finbox - Cố vấn đầu tư 4.0 của nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại thương... Đáng chú ý, trong làn sóng khởi nghiệp có sự góp mặt của học sinh các trường THPT của Hà Nội, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai...

Để có được kết quả đó, sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, các nhà trường đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Nếu như trước kia hoạt động khởi nghiệp chỉ được thực hiện ở một số lĩnh vực, thu hút chưa đầy 1% số sinh viên ở các ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin tham gia thì nay, nội dung khởi nghiệp đã được các nhà trường đưa vào chương trình học ở cả bậc đại học và phổ thông.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho biết, khởi nghiệp là nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo của trường, trong đó có một môn học đòi hỏi sinh viên phải trải qua một học kỳ tại doanh nghiệp. Điều này nhằm giúp sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, tăng kỹ năng thực hành và biết mình còn thiếu những gì để tiếp tục bổ sung trong những học kỳ còn lại.

Còn theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề là nội dung bắt buộc phải có cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. Học sinh vào vai công nhân làm việc trong nhà máy chè ở Tuyên Quang, làm nông dân thu hoạch sắn ở Hòa Bình, trực tiếp làm việc ở cánh đồng muối tại Nghệ An...

Rào cản kinh phí


Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đặt mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ họ hình thành, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp; phấn đấu tới năm 2025 trong toàn bộ số trường đại học và 70% số trường cao đẳng, trường trung cấp, mỗi đơn vị có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp được hỗ trợ đầu tư ứng dụng vào thực tế. Tuy nhiên, chặng đường tới đích còn khá dài và nhiều rào cản.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: Minh Đức


Những người trong cuộc cảm nhận rõ sức ép kinh phí phục vụ cho việc triển khai ý tưởng khởi nghiệp. Như Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh viên Trường Đại học Ngoại thương), thành viên của nhóm tác giả dự án vừa đoạt giải Nhì (khối các trường đại học) cuộc thi quốc gia “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, đã bày tỏ mong muốn được đầu tư để phát triển dự án, qua đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp từ sớm.

Là một trong những đơn vị tiên phong của Hà Nội trong việc tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu khoa học và phát triển những đề tài có tính ứng dụng cao, bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng - đơn vị vừa có dự án đoạt giải Nhất (khối trường THPT) cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp quốc gia năm 2018 nhận định: Rào cản lớn nhất đối với công tác khởi nghiệp trong trường học là kinh phí, nếu không có phương án đầu tư thiết thực, các dự án, ý tưởng của học sinh có thể chỉ dừng lại trên giấy, khó có cơ hội đưa vào cuộc sống.

Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết nhà trường đã xây dựng trung tâm khởi nghiệp, kết nối với những cựu sinh viên nay đã thành đạt để tăng khả năng hỗ trợ cho các dự án của sinh viên, tuy nhiên, mọi hoạt động mới chỉ ở mức độ hỗ trợ ban đầu như tư vấn, tạo môi trường thực nghiệm... Để thôi thúc sinh viên hiện thực hóa ý tưởng, cần có nguồn lực lớn và bền vững, không thể chỉ trông chờ vào nguồn xã hội hóa.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan đang xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Các trường sẽ có nguồn kinh phí ổn định dành cho hoạt động khởi nghiệp, nhưng như vậy không có nghĩa các trường trông chờ hoàn toàn vào ngân sách. Mỗi nhà trường cần chủ động huy động mọi nguồn lực để việc khởi nghiệp thực sự trở thành nhu cầu của từng học sinh, sinh viên.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp trong trường học: Rào cản kinh phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.