Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi đường ra biển cho Đồng bằng sông Cửu Long

Nhóm phóng viên| 05/01/2022 07:23

(HNM) - Do phù sa bồi lắng, 9 cửa sông Cửu Long nay chỉ còn 7; trong số này, sông Hậu chỉ còn 2 cửa biển có thể đón tàu trọng tải đến 5.000 tấn ra vào do nước nông, ảnh hưởng đến vận tải hàng hóa cho Đồng bằng sông Cửu Long. Để khắc phục tình trạng này, các cấp, ngành và các địa phương đang nỗ lực khơi đường ra biển cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Các bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực tạo luồng mới ra biển cho sông Hậu để tăng năng lực vận tải thủy cho toàn vùng.

Mở luồng mới ra biển

Ngày 28-12-2021 vừa qua, Ban Quản lý dự án Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cùng UBND tỉnh Trà Vinh đã triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 với kinh phí khoảng 2.596 tỷ đồng, gồm công trình bảo vệ bờ dọc hai bên kênh Quan Chánh Bố và tại ngã ba kênh Quan Chánh Bố, sông Hậu với chiều dài hơn 18km; xây 2 khu tránh tàu trên kênh Quan Chánh Bố.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang nhận định, khi dự án hoàn thành, sẽ hình thành luồng tàu biển có độ sâu cho tàu biển trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT giảm tải ra vào các cảng trên sông Hậu, tăng năng lực vận tải thủy bằng tàu tải trọng lớn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là dự án được nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mong đợi. Sông Tiền có 6 cửa đổ ra biển, sông Hậu có 3 cửa đổ ra biển. Tuy nhiên, theo Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) do cống ngăn mặn và phù sa bồi lắng, nên cửa Ba Lai (sông Tiền) và cửa Bát Sắc (Bassac) trên sông Hậu đã bị “bịt kín”. Tại những cửa sông còn lại của sông Tiền, phù sa bồi lắng khiến mực nước nông, tàu lớn không qua lại được. Riêng còn cửa Định An và Trần Đề trên sông Hậu là có luồng đủ độ sâu cho tàu 3.000 - 5.000 tấn ra vào, tùy theo con nước.

Để khắc phục vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Hàng hải Nghiêm Phú Nguyên cho biết, năm 2009, Bộ Giao thông - Vận tải đã mở luồng mới ra biển cho sông Hậu. Theo đó, luồng vận tải thủy trên sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố (con kênh nhân tạo được đào từ năm 1837-1838). Đến địa phận xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), Bộ Giao thông - Vận tải đào một con kênh mới có tên là kênh Tắt thông ra Biển Đông.

Giai đoạn 1 của dự án đã mở rộng 19,2km kênh Quan Chánh Bố và đào thông kênh Tắt dài hơn 8,3km, đưa hệ thống vào hoạt động từ năm 2017 với tổng kinh phí 5.298 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quá trình khai thác sử dụng, có xảy ra hiện tượng sạt lở bờ kênh Quan Chánh Bố, do chưa được bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống kè bảo vệ.

Cần phát triển đồng bộ

Khi Đồng bằng sông Cửu Long được khơi thông đường ra biển, vận tải thủy của toàn vùng sẽ có cơ hội mới phát triển nhanh và mạnh hơn. Tàu hàng cỡ lớn (20.000 DWT giảm tải) sẽ vào sâu đến các cảng nội địa. Song cần có sự phát triển đồng bộ bởi Đồng bằng sông Cửu Long dù có tới 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy nội địa, nhưng hơn 85% trong số này phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ dưới 10.000 tấn/năm; chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, theo thống kê, tổng nhu cầu vận chuyển các mặt hàng gạo, thủy sản và trái cây xuất khẩu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 17-18 triệu tấn/năm, nhưng 70% lượng hàng này vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ đến các cảng ở Đông Nam Bộ với chi phí khá cao. Nếu có hạ tầng logistics đường thủy phù hợp, tàu container cỡ lớn có thể "ăn hàng" tại các cảng lớn trong vùng và đưa hàng đến thẳng các thị trường ở Đông Nam Á và Đông Á, từ đó tỏa đi toàn thế giới với mức giá cạnh tranh hơn.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ Lâm Tiến Dũng cho biết, cảng Cái Cui hiện có công suất thiết kế khoảng 4,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, cảng chỉ khai thác mức cao nhất khoảng 60-70% công suất (hơn 2 triệu tấn/năm). Nguyên nhân là do chưa có hệ thống gom hàng từ các nơi về cảng và tàu lớn chưa thể từ biển vào đến Cần Thơ.

Để khắc phục tình trạng này, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) Bùi Thiên Thu cho biết, từ nay đến năm 2030, sẽ củng cố 4 hành lang vận tải thủy khu vực miền Nam (thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau; thành phố Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang; Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - thành phố Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Các bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp từng bước hiện đại hóa các cảng chính; chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa… để đáp ứng tăng trưởng hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, bộ khuyến khích hình thành các doanh nghiệp vận tải thủy lớn với đội tàu hùng mạnh, đóng góp tỷ trọng vận tải hàng hóa ngày càng nhiều hơn, giảm tải cho đường bộ, đường sắt và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi đường ra biển cho Đồng bằng sông Cửu Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.