Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dòng cho vận tải đường thủy

Hà Phạm| 02/11/2016 06:46

(HNM) - Trên các tuyến đường thủy nội địa phía Nam vẫn còn tồn tại tình trạng thu phí hai lần; một số luồng lạch bị hạn chế về tải trọng; việc cấp phép cho tàu rời bến còn chồng chéo; giao thông thủy và giao thông bộ thiếu kết nối...

Hoạt động vận tải đường thủy nội địa tại các tỉnh, thành phía Nam còn nhiều bất cập.


Nhiều khó khăn khi hoạt động

Phản ánh về việc thu phí hai lần, đại diện Hợp tác xã Vàm Cỏ (Long An) chia sẻ, mới đây khi nhận hàng ở TP Hồ Chí Minh đi Phnôm Pênh (Campuchia), đơn vị đã phải đóng phí luồng lạch hai lần. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh đã đóng phí đường thủy nội địa nhưng trên đường đi qua cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) lại đóng phí hàng hải thêm một lần nữa.

Hiện cả nước có 225 cảng thủy nội địa và hơn 8.500 bến thủy nội địa, trong đó có 2.125 bến không phép. Trong 9 tháng đầu năm 2016, loại hình vận tải thủy nội địa đã vận chuyển được gần 124 triệu hành khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa đạt hơn 160 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trên tuyến vận tải ven biển, 9 tháng đầu năm 2016, các cảng vụ đường thủy nội địa, hàng hải đã làm thủ tục cho 12.557 lượt phương tiện vào, rời cảng, bến với gần 12 triệu tấn hàng hóa thông quan. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 7.358 lượt (hơn 241%); tăng gần 7 triệu tấn hàng hóa (hơn 236%).


Còn theo đại diện Công ty cổ phần Du lịch Hàng Châu (An Giang), công ty chuyên hoạt động chở khách từ TP Châu Đốc đi Phnôm Pênh bằng ca nô từ năm 2000 đến nay, trước đây chỉ duy nhất một đơn vị cấp giấy rời cảng là Cảng vụ đường thủy nội địa An Giang. Nhưng hiện nay, khi ca nô hoạt động từ Châu Đốc đến Vĩnh Xương thì Cảng vụ hàng hải Đồng Tháp cũng tiến hành cấp giấy rời cảng. Hệ quả là việc phải làm thêm thủ tục rời cảng khiến cho hoạt động của doanh nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, cũng theo phản ánh của một đơn vị vận tải thủy tại Đồng Tháp, từ đầu năm 2016 đến nay, phí rời cảng tăng quá cao, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh. Từ thực tế trên, đơn vị kiến nghị Bộ GT-VT quy định chỉ để một cơ quan chức năng vừa cấp phép rời cảng vừa thu phí một lần tạo điều kiện để các đơn vị vận tải thủy hoạt động suôn sẻ và thuận lợi hơn.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau cho hay, do đặc thù chở hàng trọng lượng lớn nên các đội tàu luôn có tải trọng từ 1.500 đến 2.000 tấn. Tuy vậy, khi tàu hoạt động trên nhiều tuyến luồng lạch đường thủy nội địa lại bị hạn chế về tải trọng với quy định dưới 1.000 tấn. Điều này rõ ràng là lực cản lớn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Chủ động tháo gỡ

Trước những băn khoăn của các đơn vị vận tải, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GT-VT) cho hay, về thu phí hai lần, Bộ GT-VT đã đồng ý chỉ thu phí một lần tại cảng vụ đường thủy nội địa các địa phương và không phải đóng phí lần hai tại cảng vụ hàng hải. Thế nhưng, trong quá trình thực thi quy định có một số đơn vị chưa quán triệt rõ yêu cầu nên xảy ra tình trạng trên, gây bức xúc cho các đơn vị vận tải. Thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa sẽ tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh vấn đề này.

Về những nút thắt trên, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho rằng, hiện nay việc quản lý các phương tiện đường thủy đang xảy ra tình trạng chồng lấn giữa Cục Đường thủy nội địa và Cục Hàng hải, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng như thu phí luồng lạch, cấp phép hoạt động. Việc này sẽ tạo những rào cản cho các doanh nghiệp vận tải trong quá trình hoạt động.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Đường thủy nội địa và Cục Hàng hải tiếp tục thực hiện theo đúng quy định, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết những vướng mắc và chồng chéo đã nêu. Trong quá trình thực hiện, còn điểm nào bất cập thì tiếp tục kiến nghị lên Bộ GT-VT để giải quyết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải thủy cần chủ động góp ý về các vấn đề chưa hợp lý để Bộ GT-VT nắm và xử lý một cách thấu đáo.

Về thủ tục hành chính, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, hiện Bộ GT-VT đã có sàn giao dịch vận tải, vì thế Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải công khai minh bạch và chuyển tải đến các doanh nghiệp tham gia đăng ký nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dòng cho vận tải đường thủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.