(HNM) - Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều chị em vừa phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, vừa tích cực giúp chị em hội viên khác có việc làm, cải thiện đời sống. Những điển hình đó đã và đang cùng các cấp Hội LHPN Hà Nội đóng góp vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Cơ sở sản xuất tranh thêu của chị Nguyễn Thúy Đào, xã Thắng Lợi, Thường Tín. |
Những phụ nữ vì phụ nữ
Chị Nguyễn Thị Hảo (Giám đốc Công ty Gốm sứ Đại Hoa, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) thường được nhắc tới tại các buổi giao ban kinh nghiệm, tổng kết hoạt động của hội về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Là một giám đốc năng động, dám nghĩ, dám làm nên doanh nghiệp của chị Hảo luôn duy trì, phát triển ổn định. Đến nay, công ty duy trì việc làm cho 120 lao động (trong đó đa số là phụ nữ) thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/tháng. Không chỉ giỏi làm kinh tế, trung bình, mỗi năm, công ty của chị dành khoảng 100 triệu đồng để thực hiện công tác xã hội, từ thiện. Chính từ những việc làm thiết thực với xã hội, cộng đồng, nhiều năm liền chị Hảo được xã, huyện bình chọn, khen thưởng danh hiệu "Người tốt - việc tốt".
Để duy trì, phát triển nghề tranh thêu xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, chị Nguyễn Thúy Đào thường xuyên tìm tòi, học hỏi, sáng tạo mẫu mã sản phẩm. Từ một cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm tranh thêu tay nhỏ với 20 công nhân, đến nay, chị Đào đã phát triển thành Doanh nghiệp tư nhân Nguyên Đào, luôn duy trì từ 200 đến 250 lao động nữ trong xã và các vùng lân cận làm việc, mức thu nhập 2,5-4,5 triệu đồng/tháng.
Chị Phạm Thị Thanh (xã Thắng Lợi) - có con khuyết tật, chồng hay đau yếu, gia đình rất khó khăn - cho biết, gần 10 năm nay, được nhận vào làm việc tại cơ sở của chị Đào, được sự tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp, chị Thanh đã có thu nhập ổn định để thu vén gia đình, chăm chồng, con.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh, cùng với chị Hảo, chị Đào còn có hàng trăm gương phụ nữ điển hình về phát triển kinh tế, giúp đỡ tạo việc làm cho chị em hội viên. Vượt qua khó khăn, các chị đã phát huy ý chí nghị lực, năng động phát triển sản xuất, tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng như chị Đỗ Thị Mùi (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất); chị Khuất Thị Thọ (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ); chị Lê Thị Ly (xã Kim Chung, huyện Đông Anh); chị Vũ Thị Loan (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai)…
Khẳng định vai trò của phụ nữ
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa cho biết, khắp nơi trên địa bàn Thủ đô, cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", "Tham gia xây dựng nông thôn mới"… Mỗi chị em đã phát huy tính cần cù, sức sáng tạo, truyền thống tương thân tương ái cùng vượt khó đi lên từ chính bàn tay và khối óc của mình. Cùng với các chủ doanh nghiệp nữ giúp đỡ chị em nghèo, khó khăn về vốn, giống, việc làm, hiện tại các cấp Hội LHPN toàn thành phố còn trực tiếp quản lý hơn 3.250 tỷ đồng vốn cho gần 200 nghìn hội viên vay để phát triển kinh tế. Cùng với đó, mô hình vận động hội viên tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ giúp nhau giải quyết những khó khăn cũng được 100% chi hội triển khai và đông đảo hội viên tham gia, phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái trong tổ chức hội.
Năm 2015, các cấp Hội LHPN thành phố đã phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy nghề cho hơn 20 nghìn lượt người, giới thiệu việc làm cho trên 15 nghìn lao động; đăng ký giúp đỡ hơn 15 nghìn hộ nghèo, gần 15 nghìn hộ cận nghèo do nữ làm chủ với gần 6 nghìn ngày công lao động…; xây sửa 100 mái ấm tình thương cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng… Nhờ vậy, trong năm đã có gần 2.700 gia đình hội viên thoát nghèo.
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh, năm 2016, Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo các cấp hội căn cứ chương trình công tác, tích cực, chủ động các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vùng ngoại thành. Ngoài chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, các cơ sở hội cần vận dụng phù hợp với điều kiện của các địa phương, đơn vị, nâng cao việc huy động nguồn xã hội hóa, để giúp đỡ hội viên hiệu quả, bền vững hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.