(HNM) - Phát triển kinh tế đêm là vấn đề được các cấp, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đề cập nhiều năm nay, nhất là các hoạt động hỗ trợ du lịch, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Hiện, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng kinh tế ban đêm.
Kết quả còn hạn chế
20h một ngày cuối tuần giữa tháng 8, phố đi bộ Nguyễn Huệ - trung tâm quận 1 đông nghẹt người, phần lớn là các bạn trẻ từ nhiều nơi trong thành phố. Cùng với đó, có không ít khách du lịch trong và ngoài nước đến đây trải nghiệm. Anh Nguyễn Ngọc Mỹ đến từ thành phố Hải Phòng nhận xét: “Không khí nơi đây nhộn nhịp, đông vui, nhưng thiếu các hoạt động công cộng như biểu diễn nghệ thuật hay hoạt động đường phố khác”.
Còn anh Vijaya, một du khách đến từ Ấn Độ chia sẻ: “Tôi cùng gia đình đi du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh. Không khí buổi tối tại Công viên Bạch Đằng ven sông Sài Gòn rất tuyệt, đông đúc và mát mẻ. Tuy nhiên tiện ích cũng như các dịch vụ du lịch ở đây còn thiếu quá: Không có cửa hàng lớn, không có hoạt động công cộng… Chúng tôi mất hơn 30 phút tìm chỗ giữ xe, rồi tản bộ khoảng 20 phút trước khi rời đi”.
Theo thống kê, từ khi mở cửa (năm 2015) đến nay, Phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút khoảng 3.300 lượt khách mỗi ngày và tăng gấp đôi vào ngày cuối tuần. Doanh thu dịch vụ của các cửa hàng của phố ngày thường đạt khoảng 2,3 tỷ đồng và tăng gấp 4 vào ngày cuối tuần. Trong khi đó, tại Phố đi bộ Bùi Viện cũng tại quận 1, do có các cơ sở kinh doanh ăn uống, số người và doanh thu cao hơn (lần lượt là 5.400 lượt người/ngày thường và gấp 1,5 lần vào dịp cuối tuần, doanh thu từ gần 3 tỷ đồng đến khoảng 8 tỷ đồng/ngày). Rõ ràng là nếu hệ thống dịch vụ đầy đủ, các điểm du lịch sẽ thu hút nhiều du khách hơn.
Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, hiện có tới 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam có ghé qua thành phố, nhưng họ không lưu lại lâu, không tiêu tiền nhiều. Họ chỉ coi đây là điểm dừng chân, do thành phố chưa có nhiều dịch vụ, tiện ích “giữ” chân du khách. Ngoài ra, phần lớn cơ sở dịch vụ hiện có đóng cửa lúc 22h nên chưa khai thác triệt để tiềm năng kinh tế ban đêm.
Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (thành phố Hồ Chí Minh) Từ Quý Thành cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh về đêm là một “thế giới” đầy sắc màu, nhưng đến thời điểm hiện nay còn ít sản phẩm dịch vụ để du khách tìm tòi, trải nghiệm nên chưa phát huy được hết tiềm năng.
Nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ
Nhận thấy những hạn chế nêu trên, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khai thác “kinh tế ban đêm”. Một trong số đó là phát động mô hình mỗi địa phương một sản phẩm du lịch, để vừa tạo thêm sản phẩm thu hút du khách, vừa giới thiệu nét đặc trưng văn hóa, con người tại từng quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh tới khách phương xa.
Có thể kể đến sản phẩm du lịch “Về Chợ Lớn xem múa lân” do UBND quận 5 tổ chức định kỳ 17h30-20h các ngày thứ bảy và chủ nhật của tuần thứ 2 hằng tháng, với sự tham gia của 10 đoàn Lân Sư Rồng tiêu biểu của quận và thành phố Hồ Chí Minh. Hai buổi đầu tiên đã diễn ra từ giữa tháng 7-2022.
Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ cho biết: “Nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng ở vùng Chợ Lớn có từ hàng trăm năm nay. Đây không chỉ là môn nghệ thuật kết hợp võ thuật mà còn đem đến điềm lành, may mắn, bình an cho mọi người… Mỗi suất biểu diễn kéo dài 30 phút (mỗi tối có 3 suất), gồm: Múa rồng truyền thống, lân lên mai hoa thung, lân địa bửu, cùng các tiết mục biểu diễn như võ nhạc, múa sư tử...”.
Trong khi đó, UBND quận 3 đã đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn tài trợ, xã hội hóa, để nâng cấp khoảng 6.700m2 vỉa hè quanh khu vực hồ Con Rùa tại vòng xoay công trường Quốc tế. Trong kế hoạch tổng thể của UBND thành phố Hồ Chí Minh, khu vực này sẽ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa đường phố buổi tối của thành phố.
Tại huyện Cần Giờ, dự án khu ẩm thực đêm đang được triển khai tại khu vực ven biển thị trấn Cần Thạnh, với mong muốn níu chân du khách, thay đổi thói quen đi về trong ngày (hiện chỉ có 3-5% du khách đến Cần Giờ ở lại qua đêm). Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển, huyện đang kêu gọi đầu tư phát triển 2 điểm kinh tế đêm tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa với quy mô lần lượt 2ha và 1ha. Tại đây, ngoài dịch vụ ăn uống, còn nhiều dịch vụ giải trí, văn hóa khác, tạo nét riêng hấp dẫn du khách.
Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết, từ nay đến năm 2025, các cấp, ngành của thành phố dự kiến phối hợp mở rộng thêm 22 tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố (quận 1 và quận 3), chia thành 7 tiểu khu với đặc trưng riêng dựa trên các yếu tố về lịch sử, văn hóa, du lịch... Kế hoạch này nhằm tạo thêm điểm, sản phẩm du lịch, từ đó thu hút thêm du khách khám phá thành phố Hồ Chí Minh về đêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.