(HNM) - Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị bộ trưởng liên quan vừa kết thúc cuối tuần qua sau 3 ngày làm việc tại thành phố biển Đà Nẵng. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định tại phiên bế mạc, thành công của các hội nghị lần này là bước khởi đầu thuận lợi cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm 2010. Ý tưởng kết nối ASEAN ngày càng được hiện thực hóa.
Sự đón tiếp trọng thị, chu đáo nhưng tiết kiệm
Có mặt tại Đà Nẵng vào những ngày diễn ra hội nghị mới cảm nhận được hết không khí chuẩn bị khẩn trương và chu đáo của nước chủ nhà cho sự kiện mở màn Năm Chủ tịch ASEAN 2010 này. Các đường phố chính của Đà Nẵng như lộng lẫy hơn bởi những tấm panô, áp phích, khẩu hiệu... chào mừng sự kiện trọng đại này. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã xây dựng một chương trình tham quan đặc sắc dành riêng cho phu nhân, phu quân các ngoại trưởng đến tham dự hội nghị như: thăm các resort ở bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa...
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng Thư ký ASEAN đi đường bộ đến Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị). |
Trả lời phỏng vấn báo Hànộimới về công tác chuẩn bị cho các hội nghị lần này, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Lương Minh Sâm cho biết, vinh dự được chọn là nơi đầu tiên tổ chức các hội nghị trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo sự kiện ASEAN do ông Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban. Với phương châm "trọng thị, chu đáo, an toàn... nhưng tiết kiệm và phù hợp với thông lệ ASEAN", Ban chỉ đạo luôn chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao cũng như các bộ, sở, ban, ngành liên quan nhằm triển khai tốt nhiệm vụ tuyên truyền, lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần... của hội nghị. Ông Sâm khẳng định, với kinh nghiệm từng tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, Đà Nẵng không gặp bất cứ khó khăn nào khi chuẩn bị cho hội nghị lần này cũng như các hội nghị sắp tới. Ông nhấn mạnh, thành công của hội nghị không chỉ tạo dấu ấn tốt đẹp về sự thân thiện, mến khách của người Đà Nẵng, Việt Nam mà qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Trung tâm báo chí hoạt động hết công suất
Như hầu hết các hội nghị mang tầm quốc tế và khu vực, phóng viên các báo, đài trong và ngoài nước là thành phần không thể thiếu để góp nên thành công chung. Cùng hơn 60 phóng viên, nhà báo nước chủ nhà Việt Nam, còn có khoảng 40 phóng viên, nhà báo khu vực và quốc tế tham gia đưa tin về sự kiện này. Theo quy định của Ban tổ chức, các nhà báo có thẻ sự kiện (chủ yếu ưu tiên cho quay phim và chụp ảnh) được chụp ảnh, quay phim 5 phút đầu. Các phóng viên còn lại tác nghiệp ở trung tâm báo chí được đặt ngay tại tầng 2 của Khách sạn Furama.
Trung tâm báo chí đồng thời là phòng họp báo, được trang bị máy tính kết nối internet, mạng internet không dây, điện thoại và máy fax để phục vụ công việc các nhà báo. Với sức chưa hơn 100 chỗ, trung tâm luôn hoạt động hết công suất, thậm chí đôi lúc còn quá tải. Các tình nguyện viên, nhân viên phục vụ tại đây luôn nhiệt tình, chu đáo mỗi khi nhà báo gặp "sự cố" về máy tính hoặc cần trợ giúp thông tin nào đó. Thật thuận tiện cho hoạt động tác nghiệp của các nhà báo vì các thông tin liên quan đến hội nghị cũng như chương trình, danh sách đại biểu... được gửi trực tiếp đến từng phóng viên hoặc qua địa chỉ email và được đăng tải trên trang web http://asean2010.vn.
Hiện thực hóa ý tưởng kết nối ASEAN
Điểm khác biệt lớn nhất và là một trong những thành công nổi bật tại các hội nghị lần này là ý tưởng kết nối ASEAN đã trở thành hiện thực. Một ngày 3 điểm đến! Xuất phát từ Băng Cốc (Thái Lan), các Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng Thư ký ASEAN Xurin Pítxuvăn đáp máy bay đến Xavanakhệt (Lào) rồi bắt đầu hành trình đường bộ đầu tiên trong lịch sử, đi theo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây để có mặt tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị). Sau khi tham quan và ăn trưa tại cố đô Huế, các đại biểu đã đến Đà Nẵng tham dự hội nghị.
"ASEAN đã kết nối thực sự. Tuyến đường bộ mà chúng tôi vừa tận mắt chứng kiến sẽ rất hữu ích cho việc vận chuyển các sản phẩm và dịch vụ trong khối" - Tổng Thư ký Pítxuvăn khẳng định. Ông cho biết thêm, các ngoại trưởng đã nghĩ tới việc tổ chức chương trình tương tự cho năm sau. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng đoàn quan chức cao cấp ASEAN (SOM) của Việt Nam nhấn mạnh: "Việc đi dự họp bằng đường bộ xuyên quốc gia của các ngoại trưởng là một cách cảm nhận trực tiếp ý nghĩa của sự kết nối trong khối, đặc biệt là kết nối của tiểu vùng Mêcông, trong đó có hành lang kinh tế Đông - Tây và hướng tới tăng cường liên kết cao hơn trong ASEAN. Đây là dịp để các quan chức cao cấp các nước thành viên ASEAN đi "thực tế" để hiểu rõ tình hình phát triển cũng như hạn chế trong kết nối giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài bằng đường bộ và đường không để từ đó tìm ra hướng hợp tác mới trong ASEAN thời gian tới".
Các hội nghị vừa qua tại Đà Nẵng là sự kiện mở đầu cho Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam. Như mong muốn của Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasít Pirôm, các nước thành viên ASEAN cần tăng cường hợp tác hơn nữa vì lợi ích chung của khối và mỗi nước, nhất là trong năm 2010 Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN. Với những gì vừa khởi đầu tại Đà Nẵng, chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành trọng trách này trong năm 2010. Sự kiện vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng không chỉ góp phần khẳng định vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam trong năm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.