(HNM) - Lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng trở đi, trở lại nhà triển lãm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng, ngắm từng bức ảnh và chẳng ngần ngại bật ra lời khen đồng nghiệp:
Mười năm trước, tại xứ Thanh, nơi Phạm Công Thắng sinh ra, anh đã có một triển lãm cá nhân đầu tiên được tổ chức khá công phu. Ra mắt công chúng trong triển lãm cá nhân thứ hai tại Hà Nội, Phạm Công Thắng có dịp chia sẻ nhiều hơn thành quả nghệ thuật của mình sau hơn 30 năm cầm máy với không ít giải thưởng trong nước và quốc tế.
Tác phẩm “Thắp sáng những dòng điện mùa xuân”. |
Hơn 70 bức ảnh thể hiện 5 mảng đề tài chính, gồm phong cảnh, chân dung con người, con người trong lao động - sinh hoạt, Thăng Long - Hà Nội và Hàng không Việt Nam, cho thấy nội lực, sức sáng tạo và cả sự bứt phá trong nghệ thuật của Phạm Công Thắng. Xem ảnh của anh có lúc thấy dâng trào niềm tự hào trước cảnh sắc quê hương, sự đổi thay của đất nước, lại có lúc bâng khuâng trước thiên nhiên, đất trời và con người. Ảnh phong cảnh ấn tượng ở bố cục, khuôn hình và màu sắc. Vẫn là trăng non, thác nước, đồng làng, vẫn đồi cọ xanh, rơm vàng mùa gặt… nhưng Phạm Công Thắng đã chọn được góc tiếp cận hiện thực rất riêng để thu lại những khoảnh khắc sống động. Ở mảng chân dung, anh cũng thể hiện được thế mạnh của mình. Xem "Mắt ngọc", "Cụ bà đại thọ", "Người chơi đàn ghi ta", "Thiếu nữ Dao đỏ", "Cháu yêu bà - đẹp quá!"… thấy rõ không có rung động tinh tế và cảm xúc chân thật thì khó có thể ghi lại và truyền cảm xúc tới người xem như vậy. Những gương mặt cuộc đời ấy in dấu trong tác phẩm của anh với nhiều cung bậc cảm xúc.
Như nhạc sĩ Hồng Đăng nhận định, ảnh Phạm Công Thắng không màu mè mà vẫn sang, không cầu kỳ nhưng vẫn đẹp, kể cả khi anh dùng ống kính diễn tả chân dung con người trong lao động và sinh hoạt đời thường như "Nhịp điệu trên phố", "Hoa mùa hạ", "Bóng thời gian" hay khai thác mảng đề tài của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, nơi anh đang công tác. Với Thăng Long - Hà Nội cũng vậy, vẫn cảnh ấy, người ấy, thân quen lắm nhưng xem ảnh vẫn thấy xao xuyến tự hào.
Phạm Công Thắng nói rằng, "đã là nghệ sĩ thì phải cống hiến cái đẹp". Phải vì thế mà anh không ngần ngại đặt chân tới nhiều nơi để thu về những hình ảnh dung dị giữa đời thường của thiên nhiên đất nước, con người. Ngay cả chùm ảnh thể hiện các con vật với nhan đề "Góc nhìn trẻ thơ", Phạm Công Thắng cũng phải dày công để có được những khoảnh khắc thú vị.
Có thể nói, hơn 70 bức ảnh chưa phải là nhiều so với "gia tài" mà Phạm Công Thắng có được sau hơn 30 năm gắn bó với nhiếp ảnh, cũng chưa phải là tất cả so với sự sáng tạo còn tiềm tàng của nghệ sĩ. Với "Khoảnh khắc", tác giả coi đây như một món quà dành tặng cho quê hương và những người yêu nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.