Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng cách ngày càng rộng

Đỗ Ngọc Bính| 01/08/2010 07:53

(HNM) - Hồi Nhà nước chưa cho phép tư nhân được tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim nên các ông Lý Huỳnh, Hai Nhất, Xuân Kỳ dù bỏ tiền túi ra làm phim nhưng đều phải

Cảnh trong phim “Dòng máu anh hùng” của hãng phim tư nhân Chánh Phương.


Nhờ sự "liều lĩnh"của họ cộng với phim của các hãng quốc doanh, có những năm cả nước sản xuất trên 100 phim truyện nhựa và phim truyện video, góp phần làm giảm cái "đói" tinh thần cho người dân. Vì sao họ lại liều như vậy? Ấy là vì phim nhập ngoại rất hạn chế, điều này giúp họ có thể thu hồi lại vốn và có lãi. Câu chuyện bắt đầu khác khi Nhà nước cho phép tư nhân được sản xuất và phổ biến phim. Nghĩa là ngoài làm phim, họ có quyền nhập khẩu và kết hợp với các rạp để phát hành tới khán giả. Nếu từ năm 1995 đến năm 2002, số lượng phim nhập khẩu chỉ ở mức 10-12 phim/năm, thì năm 2004 phim nhập bắt đầu tăng lên. Năm 2007, số phim nhập là 50, năm 2008 tăng lên trên 70 phim. Năm 2009, số lượng nhập tăng lên 106 phim, trong đó Công ty Megastar Việt Nam nhập 50 phim, Công ty Thiên Ngân nhập 30 phim, còn lại là của Công ty BHD và Lotte Cinema. Dự kiến năm 2010, Việt Nam nhập khoảng 150 phim, trong đó công ty Megastar nhập khoảng 50 phim, Thiên Ngân nhập 30 phim, BHD nhập từ 20-30 phim và Lotte Cinema nhập khoảng 10 phim... Tuy nhiên, số lượng phim nhập có thể tăng lên khi BHD khánh thành 1 cụm rạp mới ở TP Hồ Chí Minh và 1 cụm rạp ở Hà Nội, Thiên Ngân cũng sẽ khai trương rạp mới ở TP Hồ Chí Minh trong năm nay.

Trước năm 2009, thuế suất nhập khẩu là 0%, thì từ tháng 1-2009 tăng lên 5%. Theo các nhà hoạt động điện ảnh, mức thuế suất như vậy vẫn là quá thấp. Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung quy định phần góp vốn nước ngoài trong sản xuất và phát hành dưới 51% như một hàng rào tạo cơ hội cho các hãng phim trong nước, nhưng trước đó 3 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã được cấp phép và chỉ 3 doanh nghiệp ấy thôi cũng đủ sức "làm mưa làm gió" tại thị trường Việt Nam. Dù Luật Điện ảnh quy định các hãng chỉ được phép nhập khẩu gấp hai lần số phim họ sản xuất nhưng thực tế một số hãng sản xuất 1 đến 2 phim trong một năm mà số phim họ nhập khẩu gấp hơn chục lần... cũng chẳng sao. Khi số lượng phim nhập tăng lên thì phim sản xuất trong nước có xu hướng giảm dần. Năm 2004, cả nước sản xuất 15 phim truyện nhựa, trong đó các hãng tư nhân đóng góp 4 phim; năm 2005 là 16 phim, tư nhân có 6. Năm 2006, sản xuất  8 phim và năm 2007 tăng lên 14, trong đó của tư nhân chiếm hơn một nửa. Nhưng sang năm 2008 cả nước chỉ sản xuất vỏn vẹn có  6 phim.

Nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các dự án phim không có chính sách đối với doanh nghiệp, các quỹ đầu tư vào lĩnh vực này thì khoảng cách giữa phim nhập và phim sản xuất trong nước ngày càng rộng. Và dĩ nhiên ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam khó có cơ hội phát triển...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoảng cách ngày càng rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.