Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng cách giữa “chơi” và “chuyên”

Thụy Du| 22/06/2014 07:03

(HNM) - Đã hai tuần nay, câu chuyện về "đạo" nhạc trong các tác phẩm âm nhạc trẻ hiện nay vẫn chưa đến hồi kết.

Những tranh luận nổ ra không chỉ ở trên các diễn đàn âm nhạc mà cả trong giới làm nghề chuyên nghiệp. Sự việc cụ thể được giải quyết nhưng chỉ ở mức cầm chừng. Nó cho thấy những lỗ hổng quá lớn trong công tác quản lý và nhất là việc thẩm định âm nhạc nước nhà.

Tội đồ hay nạn nhân?

Sơn Tùng, với nghệ danh M-TP, nổi lên từ vài năm gần đây và được công chúng biết đến với tư cách là một ca sĩ cá tính, vũ đạo tốt, biết sáng tác, nhanh nhạy cập nhật xu hướng âm nhạc mới. Thế rồi anh bị phát hiện "đạo" nhạc, dù không phải dân trong nghề nhưng khi nghe "Em của ngày hôm qua" với "Every night" (Exid), "Cơn mưa ngang qua" với "Sarangi Mareul Deutjianha" (Namolla), "Cơn mưa ngang qua 3" với "Remember" (Bang Yong Guk B.A.P), "Nắng ấm xa dần" với "Monologue" (As One) cũng dễ thấy sự tương đồng. Đó đều là những ca khúc "hit", đang được khán giả trẻ yêu chuộng. Vụ việc càng om xòm khi có nhiều ý kiến trái chiều, kể cả giới chuyên môn, khiến công chúng hoang mang.

Một tuần sau "nghi án", Sơn Tùng thú nhận bài "Cơn mưa ngang qua", "Em của ngày hôm qua" anh sáng tác phần nhạc, lời dựa trên phần hòa âm (beat) có sẵn trên mạng, không rõ nguồn gốc! Vậy sáng tác trên beat là gì? Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cắt nghĩa: "Một bài hát chia ra làm 3 phần: Giai điệu, ca từ và beat. Beat ở đây là phần hòa âm. Thông thường, giai điệu ca khúc sẽ do nhạc sĩ sáng tác viết ra, còn beat sẽ do những nhạc sĩ chuyên về hòa âm phối khí làm ra. Ví dụ, ca khúc "Dệt tầm gai" - giai điệu, lời do nhạc sĩ Ngọc Đại và nhà thơ Vi Thùy Linh viết, nhưng beat lại là công việc sáng tạo của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Nếu ai sáng tác trên beat của bản thu "Dệt tầm gai" tức là đạo nhạc của nhạc sĩ Đỗ Bảo". Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng rất gay gắt phân tích: "Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hòa thanh, nhưng không thể giống cả hòa thanh và hòa âm. Một nhạc sĩ khi hòa âm một bài hát, họ có bản quyền chất xám của mình trên bản hòa âm đó. Nếu một nghệ sĩ muốn dùng bản hòa âm đó để viết nhạc thì phải mua, hoặc có sự đồng ý của tác giả, cho dù họ có thay đổi giai điệu hay không. Ở nước ngoài, một ca khúc thường được nhiều nhạc sĩ sáng tác chung và đều được hưởng lợi nhuận khi ca khúc thu được lợi nhuận".

Cắt nghĩa như vậy thì rõ ràng Sơn Tùng đã "đạo" nhạc, nhưng nhiều người cũng lên tiếng thanh minh hộ anh. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng: "Sơn Tùng làm 2 phần và cách làm nhạc như vậy đã có ở cả trong trường học, trong làng nhạc thế giới từ hàng chục năm qua. Không có ai cấm, không văn bản nào cấm thì việc làm của Sơn Tùng không sai". "Đạo" nhạc, thực chất là vi phạm quyền tác giả về âm nhạc. Các văn bản pháp luật gần nhất quy định về vấn đề này như: Nghị định 76-CP về quyền tác giả, Thông tư 27/2001/TT-BVHTT về thực thi Nghị định 76-CP, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam… Kể cả Công ước Berne đều chưa nói rõ việc sử dụng phần nhạc hòa thanh để sáng tác giai điệu, ca từ thì có gọi là vi phạm bản quyền hay không, có bị gán là "đạo" nhạc hay không? Vậy xem ra, chưa thể khẳng định "tội" của Sơn Tùng.

Hiểu thế nào giữa "chơi" và "chuyên"?

Thực ra, chuyện trên thế giới xuất hiện không ít trường hợp sáng tác ca khúc trên phần hòa âm của người khác. Ví dụ kinh điển nhất được nhạc sĩ Nguyễn Cường nêu ra là tác phẩm "Ave Maria" của C.Gounod trên phần hòa âm của J.Bach trở thành tuyệt phẩm được cả thế giới ngưỡng mộ và nó luôn được ghi đồng tác giả. Còn câu chuyện của Sơn Tùng thì khác, anh không ghi tên tác giả mình sử dụng beat và giải thích là không biết tác giả. Nhưng trước khi quy cho anh "đạo" nhạc thì nên xét thêm một khía cạnh. Sơn Tùng có 3 năm hoạt động trong giới underground (âm nhạc ngầm) - nơi nghiễm nhiêm chấp nhận việc làm này. Bởi thế giới ấy được xem là nơi những người mê ca hát tự do thể hiện, sáng tạo ca khúc để thỏa mãn chính bản thân - không có thương mại, không chạy theo thị hiếu. Nhưng gần đây, có nhiều ca sĩ từ "thế giới ngầm" đó tiến ra thị trường, mà trường hợp Sơn Tùng khá tiêu biểu. Tham gia thị trường âm nhạc, anh bước vào guồng quay mới với tất cả những hoạt động của một người làm âm nhạc chuyên nghiệp: Có khán giả đại chúng, có fanclub, phát hành ca khúc, MV (music video), trình diễn trên sân khấu lớn, xuất hiện trên truyền hình, bán nhạc chờ, nhạc chuông ca khúc… Một số ca khúc anh sáng tác từ khi còn hoạt động "ngầm" cũng "vô tình" được đưa ra thị trường. Theo giới chuyên môn thì việc viết bài hát dựa trên beat có sẵn chỉ có thể chấp nhận được khi làm nhạc nghiệp dư, hoặc trong giới underground để khám phá. Còn khi đã đưa ra thị trường, trở thành người làm nhạc chuyên nghiệp, có kinh doanh thì đó là việc làm sai, vi phạm bản quyền. Rõ ràng, có khoảng cách rất lớn giữa "chơi" và "chuyên" trong hoạt động âm nhạc. Chính sự mập mờ, thiếu hành trang trước khi bước vào con đường chuyên nghiệp mà Sơn Tùng đã trở thành tâm điểm của sự chỉ trích này.

Lật lại hơn 10 năm trước, khi nhạc Việt cũng rúng động hai chữ "đạo" nhạc với những tên tuổi lớn như Bảo Chấn, Quốc Bảo cũng lọt trong "danh sách đen". Cách giải quyết xem ra vẫn chỉ là giải pháp cầm chừng. Nói vậy cũng để nhắc lại điều mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khúc mắc từ lâu: "Tại sao chúng ta chưa có Luật Âm nhạc, quy định rõ từng vấn đề nhỏ nhất? Tất cả các sự việc phát sinh lâu nay trong giới đều vì thiếu cơ sở pháp lý mà ra!".

Xây dựng một nền âm nhạc phát triển hiện đại, lành mạnh, ở Việt Nam không nên chỉ chú trọng phần chuyên môn mà cần quan tâm đến cả ý thức, trong đó sự trung thực, minh bạch, độc lập là điều nên trang bị ngay cho các bạn trẻ trước khi bước vào hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoảng cách giữa “chơi” và “chuyên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.