Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng 75% bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật

Ngọc Quỳnh| 21/10/2022 15:30

(HNMO) - Ngày 21-10, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị.

Sự kiện nằm trong chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, với cách tiếp cận đổi mới, tại 3 quốc gia: Việt Nam, Lào và Campuchia. Nội dung của chiến dịch nhằm nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang đối mặt: Rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.

Quang cảnh buổi họp báo.

Phát biểu khai mạc, ông Văn Ngọc Thịnh, CEO của Tổ chức WWF - Việt Nam cho biết, những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã. Mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với động vật hoang dã đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh. Qua đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội nhìn lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên, để chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân trước một cuộc khủng hoảng kép: Khủng hoảng với sức khỏe con người và khủng hoảng với thiên nhiên.

Ngay từ lúc này, con người phải chung tay hành động, trong đó có việc nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Đây cũng là một cách để bảo vệ những nguồn gen quý và bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cố vấn của Tổ chức WWF - Việt Nam cho biết, đối tượng tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất nằm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng và thường sử dụng thịt thú rừng trong các dịp liên hoan tại các nhà hàng.

Vào dịp cuối năm, nhu cầu này có xu hướng gia tăng. Do đó, WWF phát động chiến dịch từ nay đến tháng 1-2023 và chia ra làm 2 giai đoạn chính. Từ nay đến đầu tháng 11-2022, cung cấp thông tin và tổ chức các hội thảo kỹ thuật, lấy ý kiến chuyên gia. Giai đoạn kế tiếp là tăng cường lan tỏa thông tin trên các nền tảng internet.

Nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy, 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%.

Tang vật của một vụ bắt, mua bán thú rừng.

Đáng chú ý là, 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ, họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai. Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời, làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.

Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng. Hiện nay, các đợt bùng phát, dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong vòng 60 năm qua, đã có 335 bệnh mới nổi xuất hiện trên người. Trong đó, 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt, cầy, cáo, dơi, chim hoang dã, tê tê...

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng, một trong những nguyên nhân làm bùng phát những dịch bệnh như: Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), đại dịch Covid-19 hay bệnh đậu mùa khỉ... là do sử dụng thịt thú rừng để làm thực phẩm.

Nhằm cung cấp một giải pháp tổng thể, WWF ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị. Chiến dịch bao gồm nhiều hoạt động gồm trực tuyến và ngoại tuyến nhằm tiếp cận các đối tượng mục tiêu để giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt rừng, đặc biệt những loài như cầy hương, khỉ và tê tê - những loài hay bị tiêu thụ nhiều nhất. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng 75% bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.