Kinh tế

Khoảng 70% khó khăn trong lĩnh vực bất động sản là về pháp lý

Đình Hiệp 01/11/2023 - 13:59

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của lĩnh vực bất động sản đó là về pháp lý. Sau khi khó khăn về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tăng theo…

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 1-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình các vấn đề quan trọng mà nhiều đại biểu nêu.

nguyen-thi-hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình các vấn đề nhiều đại biểu nêu

Về tổng quan điều hành công tác chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn thách thức vì kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác. Đặc biệt khi chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

“Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý để đóng góp chung vào thành công công chung của nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Về điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng là vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất không chỉ ở một kỳ họp Quốc hội mà ở nhiều kỳ họp. Bởi nội tại của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc mức cao trong các nước cao nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo vấn đề này, do vậy đây là câu chuyện luôn được quan tâm.

dai-bieu-4.jpg
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận sáng 1-11.

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung vốn tín dụng và bên cầu vốn tín dụng.

Đối với bên cung tín dụng, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%. Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành linh hoạt hỗ trợ thanh khoản của hệ thống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.

Đối với chính sách bên cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới giảm khoảng 1% so với năm 2022 và so với trước đại dịch Covid-19 đã bằng, thậm chí giảm hơn, với khoảng 0,3%.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản và đã nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý. Sau khi khó khăn về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tăng theo…

nguyen-tuan-anh.jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không. Để kích cầu nền kinh tế, nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ, bộ ngành và địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp. Trước tiên, về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù. Chính sách thuế đối với doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu. Hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

nguyen-tam-hung.jpg
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu.

Đề cập về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thống nhất việc đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024.

Đại biểu cho rằng, nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình thì sẽ có tác dụng rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên hiện việc giải ngân vốn của chương trình còn khá chậm, đến ngày 30-9 mới đạt 28,9% kế hoạch giao.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ kinh doanh lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất. Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế.

vu-tien-loc.jpg
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Để phục hồi, phát triển kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) khẳng định, điều quan trọng là cải cách thể chế, “thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được”.

Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời phải gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

"Cần bổ sung chế tài kinh tế xử lý vi phạm và luật hóa các biện pháp bảo vệ cán bộ, doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung", ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoảng 70% khó khăn trong lĩnh vực bất động sản là về pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.