Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoa Việt Nam học tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh sẽ đóng góp tích cực vào quan hệ hai nước

Nguyễn Thúc| 08/09/2022 17:45

(HNMO) - Chiều 8-9, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Khuôn viên Trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước việc Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia) thành lập Khoa Việt Nam học, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định: “Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, gần gũi. Nhân dân cũng như chính phủ hai nước luôn có mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đào tạo. Được sự đồng ý của chính phủ hai nước, trung tâm Việt Nam học đầu tiên sẽ được thành lập tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh. Việt Nam tin rằng, sự kiện quan trọng này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giáo dục, thương mại, đầu tư và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giao lưu nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, gần gũi lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia”. 

Trước đề nghị bình luận về tiềm năng hệ thống thanh toán riêng do Nga vừa đề xuất tại Diễn đàn kinh tế phương Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ hợp tác với các đối tác trên thế giới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các khuôn khổ pháp lý về việc tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế, từ đó nghiên cứu, xem xét khả năng tham gia hệ thống thanh toán quốc tế trên cơ sở vừa đảm bảo lợi ích của Việt Nam, cũng như phù hợp với các quy định hợp tác quốc tế”. 

Trả lời câu hỏi liên quan đến nỗ lực tạo thuận lợi cho thủ tục nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài thời gian gần đây, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Thời gian qua, với mục tiêu tạo điều kiện cho khách du lịch, chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực kiến nghị với Chính phủ về các chính sách, biện pháp mở cửa, trong đó nổi bật là nối lại cơ chế miễn thị thực cho công dân 13 nước, nối lại cấp thị thực cho khách du lịch… Bộ Ngoại giao cũng đang tích cực trao đổi với các bên, các nước liên quan để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân, và ghi nhận phản ánh từ công dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để hoàn thiện chính sách xuất nhập cảnh, đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam, người nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam để làm việc với các doanh nghiệp và dự án trong nước phải thông qua thủ tục xin xét duyệt thị thực tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an). Các loại thị thực, thời hạn thị thực do Cục Quản lý xuất nhập cảnh quyết định. Sau khi Bộ Công an phê duyệt, các cá nhân nước ngoài có thể nhận thị thực tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an cũng như các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để xây dựng chính sách xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình mới”. 

* Cũng tại họp báo, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao thông báo, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 14-9-2022. Chuyến thăm này là hoạt động cấp cao quan trọng trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022, nhân dịp hai nước kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 – 24/6/2022).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đến chào lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Hai bên dự kiến sẽ trao đổi một số biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác hữu nghị Việt Nam - Campuchia trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác về quốc hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa Việt Nam học tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh sẽ đóng góp tích cực vào quan hệ hai nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.