(HNM) - Hôm qua (16-7), Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình
Hướng dẫn bà con vùng chè kỹ thuật sử dụng máy hái chè ở Phú Thọ. |
"Xuống đồng" cùng nông dân
Ông Bùi Mạnh Hải, Phó Trưởng ban Thường trực Chương trình Nông thôn, miền núi (Bộ KHCN) cho biết: Trong 6 năm (2004-2010), đã có 288 dự án được triển khai tại 60 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí là 744 tỉ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KHCN là 295 tỉ đồng. Chương trình đã chuyển giao 856 công nghệ và tiến bộ kĩ thuật là kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN vào các vùng khó khăn, chậm phát triển, vùng dân tộc ít người. Ngoài ra, đã huy động hơn 1.250 lượt cán bộ khoa học về phục vụ tại những vùng kinh tế chậm phát triển; giúp tập huấn kỹ thuật cho hơn 35.000 lượt hộ nông dân...
Tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nuôi tu hài thương phẩm đã trở thành nghề mang lại mức thu nhập khá cho khoảng 1.000 hộ gia đình. Có thành quả này là kết quả của dự án "Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi tu hài thương phẩm tại huyện Vân Đồn" do Công ty TNHH Đỗ Tờ thực hiện. Dự kiến năm 2010, người dân Vân Đồn sẽ thu hoạch khoảng 1.000 tấn tu hài, đạt doanh thu hơn 200 tỉ đồng. Mô hình này bước đầu được ngư dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hóa áp dụng thành công. "Việc ứng dụng kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm đã làm thay đổi nhận thức của người dân, tập quán nuôi trồng thủy sản cũ lạc hậu. Đặc biệt, người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển thông qua việc không khai thác giống ngoài tự nhiên" - ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ nhấn mạnh.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổng hợp 700 kết quả nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới, cho thấy lợi nhuận rất cao của đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Tỷ lệ hoàn vốn cho nghiên cứu khoa học ở các nước châu Phi là 35%, ở châu Á là 50%, cao hơn rất nhiều so với các công trình thủy lợi. Đây cũng là kết quả rút ra từ những nghiên cứu ở Việt Nam. Nguồn: TS Đặng Kim Sơn (Viện Chính sách Chiến lược NN&PTNT) |
Nhiều dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi đã góp phần thay đổi cả những tập quán sản xuất của người dân. Ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), chủ nhiệm dự án "Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè ô long tại thị xã Phú Thọ" cho biết, từ năm 2008 đến nay, toàn thị xã trồng mới được 40ha chè với 64 hộ tham gia dự án. Các hộ dân được tập huấn về kỹ thuật trồng, thâm canh, kỹ thuật tưới trên đất dốc để tiết kiệm nước, nhân giống bằng hình thức giâm hom đối với các giống chè mới… Nhờ đó, nhiều nông dân đã tiếp nhận 6 quy trình công nghệ ươm, trồng và chăm sóc giống chè mới thay thế các vườn cây tạp, năng suất kém. Nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà đang hướng đến có cuộc sống khá giả nhờ thụ hưởng thành quả từ kỹ thuật trồng chè mới do Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc chuyển giao.
Ông Bùi Mạnh Hải cho biết thêm: Chương trình nông thôn, miền núi đã góp phần cùng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế của các vùng, hình thành và phát triển nghề trồng nấm, nuôi cá lồng, hình thành các doanh nghiệp chế biến lâm, thủy, hải sản nhỏ ở địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu lao động.
"Bức tranh" cần vẽ lại
Đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá chính xác sự đóng góp của KHCN đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng sâu, vùng xa nói riêng. Người ta đưa ra những tỷ lệ tương đối như: hàm lượng chất xám chiếm hơn 30% giá trị sản phẩm hàng hóa, biện pháp giống làm tăng năng suất từ 5-20%, biện pháp phân bón giúp tăng 10-15%, tưới tiêu giúp tăng 20-40%... cho thấy vai trò to lớn của KHCN. Rõ ràng, việc tiếp tục triển khai chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn 2011-2015 là cần thiết.
Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, đầu tư cho phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện chỉ chiếm 6,38% GDP của cả nước, trong đó chi trung bình cho KHCN trong nông nghiệp chỉ là 17.000 đồng/hộ. Rõ ràng, con số ấy khiến những ai quan tâm đến đời sống người nông dân không thể an lòng, đặc biệt là trong điều kiện giá thành sản xuất nông nghiệp ngày càng cao.
Ông Bùi Mạnh Hải cũng thừa nhận rằng, sự lan tỏa của các mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi chưa nhiều do không nhận được sự quan tâm từ các địa phương. Ngoài ra, việc mỗi địa phương có trung bình 14-15 mô hình được hỗ trợ triển khai là thấp so với đòi hỏi từ thực tế.
TS Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Ninh Thuận cho biết, chương trình nông thôn, miền núi đã làm tốt việc liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông. Tuy nhiên, vai trò của doanh nghiệp để hình thành liên kết "bốn nhà" là chưa có, trong khi đây chính là đối tượng chủ yếu tiêu thụ sản phẩm do nông dân sản xuất ra. Thực tế này đòi hỏi thời gian tới Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi rõ ràng để thu hút doanh nghiệp có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ các mục tiêu của chương trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.