(HNM) - Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký ra đời với chủ trương phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở đã góp phần giảm bớt tình trạng quá tải của các tổ chức hành nghề công chứng, tiết kiệm thời gian chờ đợi cho các tổ chức, công dân khi có nhu cầu chứng thực.
Cụ thể, để thực hiện công tác cải cách hành chính, tạo sự thuận lợi cho người dân, rất nhiều xã, phường đã tạo điều kiện cho cán bộ đến tận nhà dân chứng thực chữ ký liên quan tới các nội dung thiết yếu như ủy quyền lĩnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của người già, yếu, bệnh tật... Song đến nay vẫn chưa có quy định về việc thực hiện chứng thực chữ ký ngoài trụ sở, gây khó khăn cho cán bộ thực hiện. Tương tự, đối với việc chứng thực chữ ký vào sơ yếu lý lịch, ngoài những người xác nhận hồ sơ xin việc còn có cả trẻ em, người hạn chế năng lực hành vi dân sự xin xác nhận lý lịch để làm hồ sơ đi học, hồ sơ xin trợ cấp xã hội... Thế nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn riêng về việc chứng thực chữ ký với những đối tượng chưa đủ điều kiện để chứng thực chữ ký này. Bên cạnh đó, quy định về tiêu chuẩn của người dịch và cộng tác viên dịch thuật còn rất chung chung. Điển hình là việc cho họ tự cam đoan và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch, nhưng việc xác định trách nhiệm và chế tài xử lý khi bản dịch không chính xác thì không văn bản nào đề cập đến.
Một bất cập nữa là thực tế vẫn xảy ra tình trạng công dân mang văn bằng, chứng chỉ giả mạo, có sửa chữa, tẩy xóa đến chứng thực. Trong khi đó, cán bộ hầu như không được tập huấn, hướng dẫn về các kỹ năng phân biệt bản thật, bản giả. Có trường hợp tại xã Đồng Thái (Ba Vì), công dân mang bằng đại học giả đến đề nghị công chứng nhìn không khác gì bằng thật. Thế nhưng, cán bộ biết là công dân đó không đi học đại học nên đã từ chối công chứng.
Theo thống kê của Sở Tư pháp Hà Nội, số hồ sơ hành chính về chứng thực chiếm trên 80% tổng số hồ sơ hành chính do UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn tiếp nhận giải quyết. Do đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm, hướng dẫn rõ các quy định liên quan đến hoạt động chứng thực và thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp - hộ tịch để tránh xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.