(HNM) - Vòng xoáy đô thị hóa giúp nhiều gia đình có cơ hội đổi đời và kèm theo đó là hình thành một lối sống mới. Tuy nhiên, ở đâu đó, một lớp người nghèo không chỉ bị thiếu hụt về thu nhập, mà còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, phúc lợi xã hội, nhà ở, việc làm... Đó là bức tranh tương phản của đô thị, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chênh lệch giàu - nghèo ngày càng lớn
PGS-TS Lê Ngọc Hùng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam được kiểm soát và giảm mạnh, nhưng sự chênh lệch giàu - nghèo không giảm mà tăng lên, từ 8,1 lần (năm 2002) lên 8,9 lần (năm 2008). Mức chênh lệch về thu nhập giữa người giàu và nghèo ở Hà Nội hiện là 8,7 lần. Nghèo khổ và phân hóa giàu - nghèo tạo nên sự phân tầng xã hội về mặt kinh tế, trong đó tầng lớp trên chiếm tỷ trọng lớn về tài sản, có ưu thế về mặt kinh tế nói chung, và ngược lại.
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là một trong những địa phương có tỷ lệ nghèo hơn 10%. Ảnh: Thái Hiền |
Người nghèo đô thị (NNĐT) là ai? Khảo sát tại Hà Nội cho thấy, hơn 3/4 số lao động thuộc nhóm hộ nghèo nhất là lao động thủ công, thợ lắp ráp, vận hành máy và lao động giản đơn; 1/4 số lao động còn lại chủ yếu là nhân viên dịch vụ và bán hàng. Khó khăn lớn nhất đối với cuộc sống của họ chính là chỗ ở không được và không thể bảo đảm. Có thể thấy điều này tại các khu trọ của công nhân Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, Khu công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, tại các nhà máy ở Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì…. Ở những nơi ấy, có thể thấy đời sống vật chất, tinh thần của nhiều công nhân thể hiện sự thiếu thốn, tạm bợ. Hoặc ở khu vực chợ Long Biên, bến xe Gia Lâm, nơi tá túc và tìm kiếm mưu sinh của hàng trăm người nhập cư, nhiều người chỉ có thể thuê trọ với mức giá rẻ mạt, kèm theo đó là điều kiện vệ sinh tồi tàn. Nếu khảo sát kỹ lưỡng, có thể nhận ra những ví dụ điển hình về điều kiện sống của người nghèo nhập cư.
Kết quả khảo sát đô thị 2009 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, được công bố gần đây cho thấy, số NNĐT ở Việt Nam ước tính có khoảng 0,8 triệu. Số liệu này được hình thành trên cơ sở thống kê thu nhập theo chuẩn chứ chưa đề cập đến các yếu tố khác như tình trạng việc làm bấp bênh, chi tiêu sinh hoạt tốn kém, sự hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ công (điện, nước, y tế, giáo dục, bảo hiểm), môi trường sống kém tiện nghi và thiếu an toàn. Nếu xét đầy đủ các yếu tố kể trên, số lượng NNĐT có thể sẽ ở mức cao chứ không dừng lại ở con số 0,8 triệu người như đã dẫn ở trên. Ví dụ, một cặp vợ chồng có một con, làm công trong một khu công nghiệp ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, với mức thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, họ phải chi cho tiền thuê nhà, điện nước, xăng dầu, ăn uống... Tổng chi cho các khoản nói trên vào khoảng 3,5 triệu đồng. Với 1.000.000 đồng còn lại, họ sẽ xoay xở ra sao giữa một "núi" lo khác như chữa bệnh khi đau ốm, gửi con... Số vốn tích lũy hầu như bằng không. Thu nhập thấp, việc làm bấp bênh khiến NNĐT khó được hưởng các dịch vụ xã hội.
Bài toán khó giải
Vài năm trở lại đây, số NNĐT tăng lên nhanh chóng, nguyên nhân chủ yếu là do làn sóng nhập cư - một phần quan trọng là do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Người viết bài đã có dịp trao đổi với chị Nguyễn Thị Hà (quê ở Kim Động, Hưng Yên) và được biết, sở dĩ họ phải bám Hà Nội kiếm sống vì thu nhập từ nông nghiệp không đủ nuôi gia đình. Lứa công dân sinh sau năm 1993 đa phần không được chia đất nông nghiệp nên việc mưu sinh càng khó khăn. Ngoài ra, tâm lý "giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố" vẫn bám sâu trong một bộ phận người dân nông thôn.
Theo TS Phạm Thị Hồng Điệp (ĐH Kinh tế Quốc dân), với khoảng 12-13 vạn người nhập cư vào Hà Nội hằng năm và với xu thế lượng người nhập cư năm sau cao hơn năm trước, Thủ đô phải đối mặt với nhiều vấn đề mới. Người nhập cư, đa số dựa vào nguồn sống duy nhất là bán sức lao động. Tuy nhiên, họ thiếu kỹ năng, thiếu đào tạo nên cơ hội có việc làm và mức thu nhập ổn định là rất thấp. Công nhân ở các khu công nghiệp tuy có thu nhập thường xuyên, tương đối ổn định nhưng cũng chỉ đủ nuôi thân, nên nhiều người không thiết tha gắn bó với công việc.
Nghiên cứu được UNDP tài trợ cũng cho thấy, 56,6% dân di cư không có bảo hiểm y tế, cao gấp 1,7 lần dân thường trú. Lý do chính là thiếu tiền hoặc không có hộ khẩu... Trong khi đó, bài học phát triển ở các nước trong khu vực cho thấy, việc quan tâm đến NNĐT là một yếu tố sống còn để bảo đảm quá trình phát triển bền vững và ổn định xã hội. Đó là bài học về chính sách bảo đảm dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao với chi phí thấp ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, là sự mở rộng tối đa không gian công cộng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhằm thu hẹp khoảng cách về sự thụ hưởng dịch vụ công tại các đại đô thị.
Trong những năm qua, trung bình mỗi năm Hà Nội giải quyết việc làm mới cho hơn 100.000 người và đào tạo nghề cho khoảng chừng ấy lao động; xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa và nhiều chính sách an sinh khác. Tất cả các hoạt động này đều nhằm xóa đói, giảm nghèo và giảm chênh lệch giàu nghèo và sự bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, bài toán giảm số NNĐT là một quá trình lâu dài trong chiến lược tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội một cách toàn diện, bền vững.
Tính đến tháng 3-2009, Hà Nội có 117.825 hộ nghèo với 406.232 nhân khẩu (theo chuẩn nghèo của thành phố là 350.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị), chiếm 8,43% tổng số hộ dân Thủ đô. Có 12/29 quận, huyện, thị xã có tỷ lệ hộ nghèo ở mức hơn 10%, tập trung ở các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ. 43/577 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên. Nguồn: Sở LĐ,TB&XH Hà Nội |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.