Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó thật!

Đồ Nghệ| 06/06/2010 05:56

(HNM) - Thực tiếc chúng ta chưa có thói quen thống kê các hiện tượng xã hội như cách ăn mặc, nói năng, thói quen... Giả sử có những thống kê như vậy tôi dám chắc từ thường được dùng nhất hiện nay, trong mọi trường hợp, với mọi thành phần, là từ

Công nhân vệ sinh: Khó lắm, không thể nào giữ được thành phố cho sạch đẹp vì ý thức người dân còn kém lắm, mạnh ai người nấy xả rác ra đường, nhất là vào những nơi có biển "Cấm đổ rác".

Người dân: Cái khó nhất là muốn đổ rác cho đúng chỗ cũng không phải lúc nào, chỗ nào cũng có thùng, nhất là nơi công cộng. Lại nữa, họ đi thu gom có theo thời gian nhất định nào đâu, chỉ thu tiền là đúng hẹn...

CSGT: Khó lắm, không thể đủ người để giữ trật tự, người điều khiển phương tiện thì hàng vạn, chúng tôi có được mấy? Ngày thường còn đỡ, chứ ngày mưa, nắng nóng, rét mướt cứ phơi mặt ngoài đường mà thi gan với trời... Khó, khó lắm.

Doanh nhân: Nói tới cái khó của chúng tôi đầu tiên là vốn, rồi chính sách, quy định hay thay đổi và thường xuyên phải đối mặt với hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại...

Nhà trường: Các cháu bây giờ có rất nhiều điều kiện để có được nhiều thông tin từ thế giới, gồm cả những thông tin không lành mạnh, có hại từ internet, xã hội. Những thứ đó nhà trường không thể quản nổi. Rồi chương trình giáo dục, dù đã qua nhiều lần cải cách mà vẫn rất nặng về lý thuyết, không phù hợp với đòi hỏi hiện nay. Gia đình, bố mẹ lại quá bận nên sự hợp tác với nhà trường rất yếu. Đó là khó khăn lớn của ngành giáo dục.

Gia đình: Thực tình để đáp ứng được những yêu cầu thường xuyên thay đổi và mỗi năm một tăng của nhà trường cũng đã rất khó, còn thời gian đâu mà lo đến những việc khác. Dạy con trẻ bây giờ đúng là khó thật, chúng cứ như lươn, cứ trôi tuột đi mà nhà trường chỉ biết một chuyện duy nhất là học thêm, dạy thêm...

Bộ trưởng Nội vụ: Đúng là rất khó để phát hiện ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Dù chúng ta biết là có nhưng khó, rất khó để có thể xóa bỏ được tình trạng đó...

Nói chung là như vậy.
Không phải bây giờ đất nước mới có nhiều khó khăn. Dân tộc ta đã từng trải qua những hiểm nguy một mất một còn; đã từng sẵn sàng "đốt cháy cả dãy Trường Sơn" để giành cho được tự do, độc lập; đã từng chấp nhận đương đầu với chiến tranh kéo dài 5 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa; đã từng trải qua thời kỳ khủng hoảng, khan hiếm tưởng chừng không gượng nổi... Vào những thời điểm đó chúng ta cũng nói đến khó khăn, nhưng nói đến là để biết và để tìm cách vượt qua, và chúng ta đã vượt qua. Giờ đây tình hình tốt hơn nhiều vậy mà ai cũng kêu khó. Họ kêu khó dù đó là một phần công việc của họ; là những gì họ đã được cảnh báo khi bước vào nghề. Nhưng họ cứ kêu. Kêu để tránh bớt trách nhiệm; kêu để "mong cấp trên, các cấp, các ngành giúp đỡ".

Khi được Lênin giao nhiệm vụ, một cán bộ trả lời:
- Báo cáo, việc này rất khó. Lênin nói:
- Tôi không hỏi khó, tôi hỏi có làm được không?

Có lẽ với chúng ta cũng nên đặt vấn đề như vậy để bớt khó được chút nào chăng. Hay hỏi như vậy thì khó quá!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó thật!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.