(HNM) - Trong lúc lý luận, phê bình văn học (LLPB) vào đận khó khăn, nào
- Rất mừng khi có một chuyên trang độc lập giới thiệu lý thuyết văn học và phê bình văn học Việt Nam do một nhóm các nhà LLPB chung tay thực hiện. Xin được hỏi Thiện Khanh, phebinhvanhoc.com.vn đã ra đời như thế nào?
- Trang Phê bình văn học ra đời đơn giản vì lý do nghề nghiệp. Từ lâu nhiều bạn đọc, nhiều người trong giới đã mong muốn có một diễn đàn chung dành riêng cho phê bình văn học (hoạt động thuần túy về học thuật). Nỗ lực thành lập website của chúng tôi không nằm ngoài nhu cầu thực tế này.
- Phebinhvanhoc.com.vn có quan hệ "họ hàng" gì với trang web lyluanvanhoc.com của Phòng Lý luận văn học (Viện Văn học) - nơi Thiện Khanh đang công tác?
- Việc được giao tổ chức bài vở cho trang lyluanvanhoc.com suốt năm 2011 và đến nay là vienvan hoc.org.vn đã cho tôi thêm kinh nghiệm, ý tưởng mới để làm phebinhvanhoc.com.vn. Tôi đã cố gắng không lặp lại, cố gắng gom góp đem đến cho bạn đọc nhiều tư liệu tốt, mới, vì thế có kế thừa nhau, nhưng mỗi website đều có nét riêng. Trong đó, địa chỉ vien vanhoc.org.vn và lyluanvanhoc. com là những trung tâm lớn, có uy tín học thuật lâu nay, còn website phebinhvanhoc.com.vn là của một nhóm nhỏ, độc lập và mới đang ở chặng khởi đầu.
- Trang web có nhiều mục quan trọng như "Thời sự văn học", "Lý thuyết phê bình", "Lịch sử phê bình", "Những vấn đề hiện thời của phê bình"… Tất cả đều rất cần một lượng bài vở không chỉ có chuyên môn mà còn phải cập nhật. Xin hỏi Thiện Khanh, nhân lực ở đâu và tài lực ở đâu để duy trì hoạt động?
- Để duy trì trang web, hiện nay chúng tôi vẫn phải tự thân vận động. Nhưng tài chính chỉ là một chuyện, quan trọng nhất là bài vở. May mắn là tôi nhận được sự ủng hộ, chia sẻ rộng rãi của rất nhiều người trong nghề, mỗi người đóng góp theo cách khác nhau để xây dựng bước đầu phebinhvanhoc. com.vn như hiện nay. Tương lai, chúng tôi cũng rất mong nhận được sự ủng hộ lớn hơn nữa của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình và bạn đọc yêu văn chương. Nếu bạn đọc thấy rằng cần phải có một diễn đàn khoa học, dành riêng cho lý thuyết văn học và phê bình văn học như phe binhvanhoc.com.vn thì nó sẽ có lý do, có cách để tồn tại, bằng không tự nó sẽ bị loại.
- Sau một thời gian ra mắt (từ tháng 4-2012 đến nay), phản hồi của giới chuyên môn cũng như người đọc về trang web thế nào?
- Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã nhận được sự cổ vũ, cộng tác, góp ý quý báu, chân tình của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả trong và ngoài nước như GS-TS Trần Đình Sử, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, PGS-TS La Khắc Hòa, PGS-TS Huỳnh Như Phương, PGS-TS Trương Đăng Dung, PGS-TS Đỗ Lai Thúy, TS Nguyễn Thị Từ Huy. Bên cạnh đó là sự chia sẻ của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB như Mai Văn Phấn, Hà Linh, Đỗ Quyên, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Nhã Thụy, Đặng Tiến, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Văn Giá… Chủ nhân của nhiều trang mạng văn chương (nhà thơ Trần Nhương, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Văn Công Hùng, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Phong Điệp) cùng một số cơ quan báo chí đã thông tin, giới thiệu website phebinhvanhoc.com.vn đến với độc giả. Đã có lúc website bị nghẽn vì lượng truy cập lớn dẫn đến hết băng thông. Đến nay, cũng có nhà thơ, nhà văn đề nghị sẵn sàng trợ giúp chúng tôi về tài chính để duy trì, phát triển hoạt động khoa học của website.
Rõ ràng, nếu không có sự khích lệ, giúp đỡ, chia sẻ và chung tay nói trên, thì quả thực thời gian qua phebinhvanhoc.com.vn khó có thể duy trì được. Đáp lại điều đó, chúng tôi đã và đang nỗ lực cải tiến giao diện, bổ sung một số chuyên mục, từng bước thực hiện sự đa dạng hóa nội dung, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin ngày càng lớn của các nhóm bạn đọc khác nhau.
- Là một người trẻ tuổi, lại công tác trong một cơ quan nghiên cứu (vốn có nhiều chuyên gia uy tín), lĩnh vực hoạt động là văn học (hoàn toàn không hấp dẫn về kinh tế), bản thân Thiện Khanh có lúc nào thấy "nản" không?
- Tôi thấy nhiều người kỳ lạ lắm, họ sẵn sàng từ bỏ những công việc thu nhập tốt, có cơ hội thăng tiến để về Viện Văn học. Cậu bạn tôi có lần chia sẻ rằng, cậu ấy sẽ sống chết với nghề này và hiện thời chỉ cần những điều kiện vật chất tối thiểu để được theo đuổi đam mê nghề nghiệp của mình. Chị thấy đấy, không đâu như ở nghiệp văn chương, người ta thấy rõ những cái khó, cái khổ, cái nghèo mà vẫn thích, vẫn gắn bó chung tình với nó. Có nhiều người khuyên tôi nên chuyển công việc khác, tôi cũng có cơ hội để thay đổi, nhưng không hiểu sao tôi vẫn muốn được làm công việc hiện tại của mình, ở đây quả thực có chuyện nghề gắn liền với nghiệp!
- Xin chân thành cảm ơn Thiện Khanh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.