(HNM) - Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm không chỉ giúp ổn định cuộc sống của người khuyết tật, mà còn góp phần khẳng định giá trị của họ đối với gia đình, xã hội.
Người khuyết tật tìm hiểu về việc học nghề tại Trung tâm Sống Độc Lập Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Người khuyết tật đã được quan tâm
Ở Việt Nam, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật (NKT) được đặc biệt quan tâm. Trong Luật Dạy nghề năm 2006, toàn bộ Chương VII được dành cho vấn đề dạy nghề cho NKT, trong đó chỉ rõ mục tiêu là giúp NKT có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ tài chính và các ưu đãi khác đối với các cơ sở dạy nghề cho NKT, nhằm thúc đẩy công tác dạy nghề cho đối tượng này.
Theo quy định hiện hành, các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, được hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đối với các cơ sở dạy nghề khác, khi nhận NKT vào học nghề, nâng cao trình độ tay nghề thì sẽ được ưu tiên đầu tư, bảo đảm định mức kinh phí đào tạo... Nhờ đó, số cơ sở dạy nghề ở nước ta đã tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo. Tính đến nay, cả nước có trên 1.000 cơ sở tham gia dạy nghề cho NKT. NKT tham gia học nghề được xem xét cấp học bổng và trợ cấp xã hội, được miễn, giảm học phí căn cứ vào mức độ khuyết tật và mức suy giảm khả năng lao động.
Ngoài các chính sách hỗ trợ nêu trên, Nhà nước đã có nhiều biện pháp xúc tiến việc làm cho NKT như ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, thành lập quỹ quốc gia về việc làm. Đặc biệt, từ năm 2006, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức các hội chợ việc làm, trong đó có khu vực dành riêng cho NKT với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề. Do vậy, NKT có nhiều cơ hội việc làm hơn, số lượng người có việc làm đã tăng lên hằng năm.
Số liệu thống kê của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho thấy, trong 25 năm qua, Hội đã tổ chức nhiều hình thức dạy nghề, tạo việc làm cho 27.400 lượt NKT với tổng kinh phí 74,2 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn cho gần 5 nghìn lượt NKT (trị giá 10,7 tỷ đồng); hỗ trợ vật nuôi cho 4.500 gia đình (trị giá 15 tỷ đồng)... Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội đã đề ra chương trình “Hỗ trợ sinh kế cho NKT, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới”, mở ra hướng đi mới trong công tác trợ giúp NKT. NKT ở những xã xây dựng nông thôn mới được tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện điều kiện sống thông qua các chương trình xây nhà, công trình vệ sinh; tặng vật nuôi hay các chương trình hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng làm kinh tế…
Tiếp cận từ quyền cơ bản
Tuy nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước nhưng hiện nay, NKT còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, nhận thức của cộng đồng về NKT tuy đã tốt hơn, nhân văn hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, làm cản trở quá trình hòa nhập của NKT.
"Rào cản lớn nhất hiện nay là xã hội vẫn nhìn NKT bằng con mắt thương hại, đối đãi với NKT theo quan điểm từ thiện, nhân đạo chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực là bảo đảm quyền cơ bản của họ. Việc đi lại, giao tiếp của NKT còn khó khăn; trình độ văn hóa còn thấp. Nhiều NKT chưa được học nghề, chưa có việc làm dù chỉ là công việc giản đơn với thu nhập thấp. Phần lớn NKT có gia cảnh nghèo khó, thậm chí rất nghèo… Những yếu tố đó khiến NKT thường mang trong mình cảm giác tự ti" - ông Lương Phan Cừ nói.
Chính sự nhìn nhận thiếu tích cực từ cộng đồng đã tạo thêm rào cản đối với việc thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho NKT. "Việc tuyển sinh học nghề đối với NKT rất khó khăn vì nhiều
lý do, như: Gia đình NKT không muốn cho con đi học; NKT thường có trình độ học vấn thấp, thậm chí không biết chữ nên tự ti, mặc cảm và rất ngại tham gia học nghề; xã hội nhìn NKT với con mắt thiếu tin tưởng và cho rằng họ học nghề không để làm gì… Đó là chưa kể giáo trình, cách truyền đạt kiến thức cho NKT cũng gặp khó khăn do mức độ tật của từng NKT khác nhau", ông Lương Phan Cừ cho biết.
Việc học nghề đối với NKT đã khó nhưng vấn đề xin việc của họ còn khó khăn hơn do vấp phải sự phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị. Anh Nguyễn Mạnh Tú, một NKT ở Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: "Trước khi quyết định xin việc tôi đã cân nhắc rất kỹ, biết rõ công việc đó có phù hợp với mình hay không. Nhưng nhà tuyển dụng lại so sánh mức độ nhanh nhẹn giữa tôi với người bình thường nên tất nhiên họ đã không chọn tôi".
Theo ông Lương Phan Cừ, điều quan trọng hiện nay là xã hội phải thay đổi mạnh cách tiếp cận mang tính từ thiện, nhân đạo thuần túy hiện nay sang hướng bảo đảm quyền cơ bản của NKT; khuyến khích các tổ chức xã hội thực hiện các chương trình trợ giúp NKT theo cơ chế mềm dẻo, phù hợp với họ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần khôi phục lại cơ chế bắt buộc doanh nghiệp tiếp nhận NKT vào làm việc theo một tỷ lệ nhất định (có thể là 1%), nếu không nhận đủ thì doanh nghiệp phải đóng một khoản tương ứng vào quỹ giải quyết việc làm cho NKT...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.