Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó cũng phải làm

Hiền Dung| 03/05/2010 07:12

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Thế nhưng thật khó khi nhiều di tích cách mạng kháng chiến (CMKC) ở Thủ đô bị "lép vế" trước trào lưu "bê tông hóa".

Ngay trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì hệ thống di tích CMKC cũng chưa phải là điểm đến hấp dẫn nhân dân Thủ đô và du khách.

Nhiều di tích bị lãng quên

Theo thống kê của BQL di tích danh thắng Hà Nội, Thủ đô mở rộng có khoảng 300 di tích CMKC, trong đó có 120 di tích đã được gắn biển lưu niệm. "Sở hữu" nhiều nhất là quận Hoàn Kiếm với 50 di tích, tiếp đến là huyện Đông Anh với 41 di tích, huyện Từ Liêm với 32 di tích...

Hướng dẫn các em thiếu nhi tham quan Nhà lưu niệm Bác Hồ ở (Vạn Phúc, Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt

Mặc dù vậy, khác hẳn với không khí hội hè, vui tươi ở những điểm vui chơi hấp dẫn bậc nhất Thủ đô như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, khu du lịch Ba Vì... hệ thống di tích CMKC - kho sử liệu có giá trị trực quan sinh động, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lẽ ra phải là điểm đến đầu tiên của công dân Thủ đô và du khách trong những ngày kỷ niệm thống nhất đất nước nhưng lại trầm lắng đến lo ngại. Từ Nhà tù Hỏa Lò ở quận Hoàn Kiếm đến số nhà 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập hay Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc (Hà Đông) ước tính có không quá 200 lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Ban quản lý các di tích cho biết, lượng khách đến tham quan trong những ngày bình thường có khi ít hơn cán bộ quản lý.

Đáng buồn hơn, địa điểm nhà Déléveaux, số 9, phố Cát Linh - nơi diễn ra trận đánh ngày 19-12-1946, nay là cửa hàng của một công ty quốc doanh. Nhà 312 Khâm Thiên - nơi diễn ra trận đánh đêm 26-12-1972 bị chia làm hai, nửa to xây nhà hai tầng, cửa nhôm kính, nửa nhỏ xây một tầng, khác hoàn toàn với ngôi nhà cấp 4 trong ảnh chụp trước đây còn lưu lại ở BQL di tích danh thắng Hà Nội và Bảo tàng Cách mạng. Di tích Nhà in Tiến Bộ, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh nằm ngay bên nhánh sông Hồng, sắp sạt lở vẫn chưa có dự án tu bổ…

Lý giải cho thực trạng đó, ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng BQL di tích danh thắng Hà Nội nói: Không như di tích tín ngưỡng, di tích CMKC thường là những công trình kiến trúc có sẵn như căn phòng, ngôi nhà, đường phố hay những công trình được tạo nên để phù hợp với mục đích sử dụng như địa đạo, hầm bí mật và cũng có thể là nơi ghi dấu chiến tích của quân dân ta hay tội ác của kẻ thù như trận địa, bãi chiến trường, nhà tù… Do đó, di tích CMKC có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ, rất khó nhận biết và cũng dễ bị lãng quên, dễ bị biến dạng theo thời tiết, năm tháng… Hơn nữa, di tích CMKC hiện nay do BQL danh thắng Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước, còn quyền quản lý trực tiếp đối với hầu hết các di tích lại thuộc về các tổ chức, cá nhân. Chẳng hạn như địa điểm Bắc Bộ phủ trước đây, nay là nhà khách Chính phủ; địa điểm trận địa súng máy phòng không 12,7 ly của đội tự vệ nay là Nhà máy Dệt 8-3; cơ sở in Báo Cờ Giải Phóng của TƯ - cũng là nơi nuôi giấu cán bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp do bà Đàm Thị Nghiên làm chủ nay do con cháu bà quản lý. Vì thế, chủ sở hữu có nhu cầu cải tạo hoặc xây mới hợp pháp thì các cơ quan hữu quan cũng chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn, còn nếu muốn chỉnh trang, tu bổ, gắn biển thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu.

Không thể không bảo tồn và phát huy giá trị

Về hệ thống di tích CMKC ở Thủ đô, ông Triệu Hiển, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long khẳng định: Đó là những thông điệp của thế hệ đi trước gửi cho thế hệ mai sau, là sức mạnh vô hình góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cũng như giá trị tinh thần của người Hà Nội, vì thế không thể không bảo tồn và phát huy. Theo ông, cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy là các cơ quan hữu quan phải giải quyết được hai mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển thành phố, nhu cầu đô thị hóa nhanh với yêu cầu bảo vệ nguyên trạng các di tích nói chung, di tích CMKC nói riêng và mâu thuẫn giữa nhu cầu bảo tồn di sản với khả năng đầu tư kinh phí. Từ đó, ông Hiển cho rằng phải tiến hành phân loại di tích. Những di tích còn đủ các yếu tố bảo quản lâu dài thì áp dụng biện pháp bảo tồn, bảo tàng để phục vụ nhu cầu tới tham quan, học tập, nghiên cứu của công chúng. Đối với các di tích không thể hoặc chưa thể dành toàn bộ diện tích cho hoạt động bảo tồn, bảo tàng thì có thể tiến hành dưới dạng gắn bia, biển lưu niệm nhưng vẫn định kỳ mở cửa đón công chúng. Còn những di tích đã bị thay đổi hoàn toàn thì phải tiến hành tư liệu hóa dưới dạng ghi chép thành văn bản, ghi âm, quay phim, chụp ảnh, lấy ý kiến nhân chứng. Ông cũng đề xuất ý tưởng đưa yếu tố tưởng niệm vào di tích để hấp dẫn khách tham quan.

Đồng tình với quan điểm trên, song ông Nguyễn Doãn Tuân nhấn mạnh tới nội dung trưng bày trong di tích, bởi nếu không tìm thấy những thông điệp từ quá khứ, không cảm nhận được khí thế hào hùng của quân và dân ta trước đây, du khách sẽ chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại nữa.

Ở góc độ quản lý, ông Đinh Hồng Phong, Trưởng phòng VH-TT quận Hoàn Kiếm đề nghị các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên cùng các nhà trường phát động phong trào trông coi, chăm sóc, bảo vệ các điểm di tích CMKC, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho học sinh ý nghĩa lịch sử của các di tích đó thông qua những đợt tham quan thực tế…

Không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục của hệ thống di tích CMKC ở Thủ đô, song làm thế nào để nó góp phần chuyển tải tinh thần, hào khí xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước của ông cha tới các thế hệ mai sau là điều đáng để mỗi công dân và các cơ quan hữu quan của Thủ đô suy ngẫm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó cũng phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.