Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền diễn ra khá phổ biến

Mai Hữu| 14/03/2022 16:53

(HNMO) - Chiều 14-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc.

Thay mặt Đoàn giám sát trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, so với giai đoạn 2011-2016, giai đoạn 2016-2021, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%.

Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; tố cáo tăng 99,3% số đơn và 27,4% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Về việc ban hành văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua nghiên cứu báo cáo, tài liệu các cơ quan gửi đến, Đoàn giám sát nhận thấy có một số tồn tại, hạn chế như việc ban hành văn bản hướng dẫn của các các cơ quan còn chậm, chưa kịp thời; vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và chưa bảo đảm tính thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp trung ương. Nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo không đúng...

Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua bước đầu giám sát nổi lên một số tồn tại, hạn chế như trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp huyện còn nhiều thiếu sót, hạn chế; việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thực hiện vai trò của người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu các sở, ngành làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện...

Về việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực hành chính, căn cứ tiêu chí vụ việc, kế hoạch rà soát của Thanh tra Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.052 vụ việc để rà soát. Đến nay, các cơ quan đã thực hiện rà soát xong 940 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,35%, trong số 940 vụ việc đã rà soát, qua theo dõi có 120 vụ việc công dân còn tiếp khiếu.

Quang cảnh phiên họp.

Theo Bộ Công an, trong 501 vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, công an địa phương đã phối hợp với ban, ngành tham gia giải quyết ổn định và tạm ổn định 51 vụ việc. Qua rà soát, phân loại, trong số 501 vụ việc do cơ quan công an lập danh sách, có 192 vụ việc nằm trong danh sách 1.052 vụ việc đã và đang được các cơ quan hành chính nhà nước các cấp rà soát, còn 309 vụ việc không nằm trong danh sách.

Về việc triển khai thực hiện giám sát tại các đơn vị, địa phương, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát dự kiến thành lập 2 đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang. Đối với các bộ, ngành trung ương, ngoài các nội dung báo cáo theo đề cương chung, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với 8 bộ, ngành, gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân Tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua báo cáo và ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, liên quan đến nhiều quy định pháp luật, do đó phải bảo đảm tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đoàn giám sát tiếp thu ý kiến, nắm vững phạm vi quy định của luật, rà soát đề cương để phân tích làm rõ ưu, khuyết điểm nổi bật và nguyên nhân của hai lĩnh vực hành pháp và tư pháp; quan điểm, phương pháp giám sát vụ việc cụ thể với tinh thần không phải để giải quyết vụ việc mà để kiến nghị đẩy nhanh giải quyết các vụ việc đó theo thẩm quyền…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền diễn ra khá phổ biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.