(HNM) - 9h sáng qua, 21-2, chính rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã chính thức khai mạc cùng lúc với 63 tỉnh thành trong cả nước.
Nhà thơ trẻ Dạ Thảo Phương (phải) trong phần trình diễn với các ca sỹ Minh Ánh và Hoàng Yến.Ảnh: Viết Thành
Thi đàn ra quân rầm rộ
Một tấm thảm đỏ và vô số cờ hoa giăng suốt từ cổng Văn Miếu vào tận chân gác Khuê Văn. Cờ hội, chừng dăm chục quả bóng bay cỡ lớn mang theo những vần thơ tiêu biểu, kiểu Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương, che bóng giếng Thiên Quang… Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm qua dành cả cho nàng thơ Việt Nam lên tiếng.
Khách thơ dự hội thật đông. Không chỉ có những nhà thơ, người yêu thơ mà còn cả “những môn phái khác” của nghệ thuật hay những gì liên quan, mà đông nhất là nhà văn, giới phê bình, nhà báo. Người ta thấy nhà thơ Hữu Thỉnh dọc ngang trong sân Thái Miếu, nơi có sân khấu chính của Ngày thơ Việt Nam và là nơi thể hiện của lớp nhà thơ “già”, bắt tay người nọ người kia, tranh thủ trả lời phỏng vấn. ở một góc Thiên Quang, nhà tổ chức để ba chiếc hòm “Họa thơ”, “Câu đối”, “Những bài thơ tôi thích” để người dự hội gửi những lá phiếu chọn “những câu thơ đăng quang”.
Nhiều NXB đã tận dụng cơ hội này để tỏ tấm tình với thơ, với nhà thơ và cả người yêu thơ nữa. Từ NXB Tri thức, Hội nhà văn, Văn hóa - Thông tin, Phụ nữ, Kim Đồng, Thanh niên đến Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, Trung tâm Văn hóa Tràng An… Sân Thái Miếu, sân Thái Học, quanh giếng Thiên Quang sắp một hàng dài những sách thơ, những pa nô đủ kiểu, đủ kích cỡ giới thiệu tác phẩm thơ mới. Mấy chị bán hàng của NXB Hội Nhà văn luôn miệng “các anh chị mua đi, chỉ lấy giá tượng trưng thôi mà”. Thơ “nhỏ” thì lấy 3.000 đồng/tập, thơ “dày, lớn” cũng chỉ 5.000 đồng. NXB Kim Đồng thì trương áp phích “tặng bạn đọc từ 40 đến 60% giá bìa” với sách thơ. Người ta tranh thủ nhặt, thấy rẻ thì mua, hoặc thỏa cái thú sưu tầm hay đơn giản chỉ là “thấy cuốn thơ của ông bạn thì mang về đọc xem thế nào”.
Thơ trẻ, thơ già
Cách nhau một đoạn mà sân Thái Miếu khác sân Thái Học : nơi đưa danh sách nhà thơ “già” trên những “cây thơ” được trình bày nghiêm cẩn; nơi giới thiệu lớp nhà thơ trẻ sẽ tham gia giao lưu trên những tấm pa nô mở ra như trang sách - rực rỡ và táo bạo. Mỗi nhà thơ trẻ được dành một “chiếc bàn” con, kiểu cách của nghệ thuật sắp đặt với hoa tươi và những “tấm thiếp” xinh xinh ghi rõ họ tên - từ “tay ngang” như Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến đến những người “chuyên nghiệp hơn”: Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Đoàn Văn Mật, Dạ Thảo Phương, Chu Thị Minh Huệ… Các nhà thơ trẻ và người yêu thơ của họ không ngại tỏ rõ quan điểm về những gì sắp diễn ra: một buổi trình diễn thơ, thứ nghệ thuật tổng hợp mà thơ là chủ đạo, mới bắt rễ trong làng thơ Việt từ mấy năm nay. Những ý tưởng to tát, hay đơn giản chỉ là quan điểm cá nhân được văn bản hóa bằng giấy trắng mực màu, thể hiện những góc cạnh, xù xì hoặc trang nhã, có lẽ dễ xuất hiện khi người ta trẻ. “Động tác trình diễn không minh họa cho thơ, mà là 1 tác phẩm khác bổ sung cho văn bản” (Hoàng Hưng). “Thơ trình diễn trước hết phải là thơ đã” (Vi Thùy Linh). “Không thể nghĩ thơ có thể đến với công chúng ầm ào như ca nhạc hay nghệ thuật khác… Ai cảm thấy thơ mình hợp với trình diễn thì làm” (Ly Hoàng Ly). Kể như thơ bao giờ vẫn là… thơ, không nương nhờ, không ỉ lại, tự thân và chủ động trong sự kết hợp có tính toán (?).
Sân Thái Học không chỉ dành cho người trẻ. Những người đứng tuổi cũng vào đây, chiêm nghiệm những gì mà nhóm “Lá trầu”, Phạm Việt Đức, Đoàn Văn Mật… thể hiện trong những giờ đầu. Ai mới lần đầu dự Ngày thơ Việt Nam có thể ngạc nhiên với phần trình diễn của “Lá trầu”, một sự kết hợp rất khó nói là gượng gạo giữa thơ và nhạc với cái gì đó từa tựa thời trang và nghệ thuật sắp đặt. Đoàn Văn Mật gửi “Đêm 30”, “Nghịch cảnh” cho nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan dùng xẩm, chầu văn chuyển tới người yêu thơ. Giữa những “môn phái” khác, người nghe vẫn lọc ra nàng thơ với thứ ngôn ngữ lúc bóng bảy, nghiêm nhặt, lúc chan chát đâm thẳng vào đầu: Những chuyến tàu chở ông bà, tiên tổ bên Chữ có thể ly dị nhau, không ngại ngần phản bội. Thơ “trẻ” bật lên nhờ sự táo bạo, sự cách tân được đón nhận thế nào? Bác Phạm Đình Chương, người phố Thụy Khuê nói: “Tôi vẫn quen với kiểu Tiếng thơ, cái cảm giác nghe thơ sau giao thừa từ thuở nào. Thêm tý chầu văn thì được, nhưng quá sang ngả khác thì dễ lẫn lắm”. “Em thấy cũng được, sinh động hơn là đứng một chỗ ngâm ngợi. Nó hợp với lứa tuổi tụi em” - cô sinh viên người Hà Nội tên Nguyễn Thị Thùy Trang, trốn học đi tìm nàng thơ, lại không quá lo ngại như bác Chương.
Hôm qua, suốt cả Ngày thơ, những người yêu thơ, người sáng tác nghiệp dư và chuyên nghiệp tay bắt mặt mừng, ký tặng nhau những tập thơ qua tay NXB, có khi chỉ là chuyền tay mẩu giấy photocopy những bài thơ viết vội trong ngày. Những gì hay ho nhất đã được thả lên bầu trời bỗng đâu rực rỡ nắng vàng, đem theo ước vọng về một nền thi ca Việt Nam luôn giàu sức sống.
Đức Huy
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.