(HNM) - Từ ngày 17 đến 20 tháng 7-2010, hơn 1.000 tiểu thương chợ Ninh Hiệp (chợ Nành) xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã dừng kinh doanh, tập trung tại trụ sở UBND xã để kiến nghị không thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ Nành.
Đến chợ Nành vào đầu giờ chiều ngày 20-7-2010, chúng tôi sững người vì cảnh vắng vẻ tại khu chợ chính. Hơn 1.000 kiốt, sạp hàng đều cửa đóng then cài, hoặc trống huơ, trống hoác. Tại cổng chính, hàng trăm người đứng ngồi, xôn xao bàn tán về việc sắp "mất chợ", buôn bán sẽ bị đảo lộn, cuộc sống khó khăn... Một phụ nữ trung tuổi (xin được giấu tên) cho biết, chị đã có thâm niên buôn bán tại chợ Nành hơn hai chục năm nay, từ khi chợ vẫn còn là một khu đất trống, lều quán sơ sài, tiểu thương chủ yếu là người làng Nành ra buôn thúng bán mẹt, nộp tiền vé chợ hằng ngày. Năm 2002, Nhà nước đầu tư xây dựng, cải tạo chợ Nành thành một khu chợ khang trang, chỗ ngồi ổn định, sạch sẽ, an ninh trật tự bảo đảm, khách buôn bán tấp nập hơn, đời sống người dân Ninh Hiệp được cải thiện nhanh chóng. Việc kinh doanh đang ổn định thì đột nhiên bà con tiểu thương nghe phong thanh về chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý chợ, thay vì HTX Dịch vụ tổng hợp (HTX DVTH) Ninh Hiệp quản lý chợ như hiện nay.
Trao đổi với một số tiểu thương khác, chúng tôi nhận thấy những thông tin người dân nhận được chủ yếu là do truyền tai nhau hoặc thông qua một số văn bản của cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền nhưng theo kiểu "không đầu không cuối". Chưa có một cuộc họp chính thức nào giữa chính quyền địa phương và các hộ kinh doanh, cũng chưa có một thông báo công khai nào được gửi đến người dân. Việc "rò rỉ" thông tin như vậy đã khiến hơn một ngàn tiểu thương chợ Nành hoang mang, lo lắng về việc kinh doanh bị đảo lộn, địa điểm bán hàng, mức đóng góp, cách vận hành sẽ bị thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho các hộ kinh doanh...
Tại sân trụ sở UBND xã Ninh Hiệp, giữa nắng hè oi ả, hàng trăm tiểu thương vẫn tập trung để chờ một câu trả lời chính thức của cấp có thẩm quyền. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lý Duy Khương, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết, chợ Nành xã Ninh Hiệp được đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 10-2002, là chợ chuyên kinh doanh vải, quần áo, được xếp hạng là chợ loại I với tổng diện tích 6.030m2, gồm 1.084 hộ kinh doanh, do HTX DVTH Ninh Hiệp quản lý. Ngày 26-1-2010, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đồng ý chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Nành và giao UBND huyện Gia Lâm tổ chức công tác chuyển đổi theo quy định của thành phố.
Ngày 6-4-2010, UBND huyện Gia Lâm có quyết định thành lập Ban chuyển đổi và xây dựng kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, đến ngày 17-7-2010, sau việc hơn một ngàn tiểu thương bãi thị, tập trung trước trụ sở UBND xã Ninh Hiệp để nêu kiến nghị, UBND huyện và xã mới tổ chức công khai đối thoại với dân để làm rõ mục tiêu, ý nghĩa, quy trình thực hiện chuyển đổi theo quy định của Chính phủ và thành phố. Lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng nêu rõ, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ Nành là cần thiết, nhằm khai thác có hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhưng trong cuộc họp đầu tiên này, các hộ kinh doanh chưa thống nhất và đề nghị không thực hiện việc chuyển đổi, tiếp tục giao HTX DVTH Ninh Hiệp quản lý hoạt động kinh doanh tại chợ. Sau khi nhận được văn bản báo cáo của huyện Gia Lâm, ngày 20-7-2010, UBND thành phố đã có ý kiến chấp thuận đề nghị của UBND huyện Gia Lâm dừng công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ Nành, việc chuyển đổi được tiếp tục thực hiện khi có sự đồng thuận cao của nhân dân và các hộ kinh doanh trong chợ.
Theo nguồn thông tin từ cơ sở, từ sáng 21-7-2010, hơn một ngàn hộ kinh doanh tại chợ Nành lại mở hàng, việc kinh doanh trở lại bình thường, tình trạng tập trung đông người trước trụ sở UBND xã Ninh Hiệp cũng chấm dứt.
Qua vụ việc này, chúng tôi nhận thấy, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực hiện vào thời điểm nào, cách thức tiến hành ra sao và nhất là công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng tình, ủng hộ là việc làm cần thiết. Và hơn bao giờ hết, khi triển khai một chủ trương, kế hoạch liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân cần thực hiện có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", được như vậy, tin rằng việc khó đến mấy cũng sẽ đạt được kết quả như mong muốn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.