(HNM) -
Một bộ phim về lãnh tụ, có sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong nghề nhưng được dẫn dắt bởi một nghệ sĩ trẻ - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nên khỏi phải nói về cái khó của đạo diễn, diễn viên chính cũng như ê kíp làm phim thế nào khi được thực hiện một tác phẩm điện ảnh về Bác Hồ, mà lại ở một thời điểm cách nay ngót nghét trăm năm khi Người chưa đầy 40 tuổi.
Diễn viên Nguyễn Mạnh Trường trong vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. |
Nhưng quả thật, ấn tượng đầu tiên về "Thầu Chín ở Xiêm" là sự chỉn chu, chững chạc nhưng cũng khá giản dị với nhiều chi tiết xúc động, góp thêm một góc nhìn chân thực mà gần gũi về cuộc đời hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Không thể không nhắc đến những yếu tố làm nên sự thành công cho bộ phim là dàn diễn viên. Mạnh Trường (người thể hiện vai Nguyễn Ái Quốc) dù lần đầu vào vai Bác Hồ nhưng đã thuyết phục người xem bằng một đôi mắt có thần thái. Về điều này, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng từng chia sẻ, anh "nhắm" Mạnh Trường cho vai diễn này từ khi Trường tham gia một vai diễn trong bộ phim nhiều tập "Đường lên Điện Biên". Và rằng cho dù khuôn mặt Mạnh Trường không có nhiều nét giống lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như ta thường thấy ở nhiều diễn viên trong các phim trước đó, nhưng đôi mắt sáng của Trường thực sự là điểm quyết định để diễn viên này có thể hóa thân trọn vẹn vào vai diễn. Bên cạnh Mạnh Trường, dàn diễn viên phụ giỏi nghề như Trung Anh (vai cụ Đặng Thúc Hứa), Hoàng Hải (mật thám)... cũng tạo thêm sức nặng, độ đằm cho phim.
Phải nói, "Thầu Chín ở Xiêm" đã xuất phát một cách khá thuận lợi khi kịch bản cùng tên (của Đinh Thiên Phúc) đã từng giành giải nhất cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phim được một đạo diễn trẻ nhưng khá thành công với các tác phẩm chiến tranh cách mạng thể hiện với sự hỗ trợ của đơn vị sản xuất là Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam. Nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì "để một đạo diễn trẻ có nghề thực hiện một bộ phim về lãnh tụ cũng là cách để tránh đi những lối mòn". Bên cạnh sự nghiêm cẩn trong việc nghiên cứu tài liệu, bảo đảm sự chính xác trong các sự kiện, nhân vật lịch sử, Bùi Tuấn Dũng tiếp tục thể hiện phong cách làm phim "chạm đến chiều sâu cảm xúc con người" ở ngay trong tác phẩm điện ảnh này.
Nhiều chi tiết nhỏ làm nổi bật phẩm chất lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được chăm chút. Đó là những tình tiết thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng tìm đường giải phóng dân tộc mạnh mẽ của vị lãnh tụ trẻ. Nhưng chiều sâu và vẻ đẹp của tinh thần Nguyễn Ái Quốc không chỉ nằm trong ý chí, bản lĩnh tranh đấu mà nằm ngay trong những giằng xé tha thiết, chân tình của một con người. Trong đó, hai trường đoạn thực sự xúc động là khi Người hướng về đất mẹ, chỉ "bên kia thôi là đất mẹ" những mong được một lần chạm vào quê hương sau bao tháng năm đằng đẵng cách xa mà lại đành lỗi hẹn... Ở trường đoạn này, đôi mắt biểu cảm của Mạnh Trường đã thực sự gây xúc động cho người xem.
Cũng có những ý kiến bày tỏ mong muốn nhịp phim nhanh hơn, tính hấp dẫn, gay cấn được đẩy cao..., nhưng nhìn chung "Thầu Chín ở Xiêm" đã thể hiện một thái độ, phong cách làm phim về đề tài lãnh tụ sâu sắc và chững chạc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.