(HNM) - Trời bỗng tối sầm bởi một cơn mưa nặng hạt. Anh Trang (xóm Cuối, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định) vội chạy ra sân cất mẻ lạc đang phơi dở, tiện tay anh cắp luôn rổ bát đĩa vào nhà vì cũng sắp đến giờ cơm tối.
Những khoảng trống…
Ngày chị Nguyễn Thị Cậy (SN 1973) phải tạm xa gia đình để đi làm giúp việc, đứa con lớn nhất mới học lớp 5, còn con bé chưa đủ tuổi tới trường. Thấm thoắt, đến cuối năm 2014 này chị xa quê đi lao động nước ngoài đã tròn 10 năm. Nợ cũ vay đã trả xong, từ số tiền vợ gửi về đều đặn hằng tháng, anh Trang đã tích cóp đủ để xây thêm một căn nhà mới khang trang hơn. Nhưng mẹ anh năm nay đã ngoài 80 tuổi, lại nhất mực đòi giữ căn nhà cũ kỹ, tuềnh toàng vỏn vẹn có 2 gian, được xây từ những năm 1980 để đợi con dâu về đoàn tụ.
Ba bố con yêu thương đùm bọc nhau khi mẹ vắng nhà. |
"Quãng thời gian đầu vợ đi là lúc khó khăn nhất vì con cái còn nhỏ, nheo nhóc, ốm đau triền miên. Tôi là đàn ông, chỉ biết lăn lưng lo việc cấy hái, phụ hồ rồi buổi tối đi đánh giậm để có đồng ra đồng vào. Toàn bộ việc nhà, nấu nướng đều nhờ cả vào bà của các cháu”. - Anh Trang bùi ngùi nhớ lại. Bà con trong xóm ai cũng cảm thông khi ngày cô con gái lớn của anh chị đi lấy chồng, chị Cậy cũng không về được. Nay đến người con trai thứ hai chờ ngày "dạm ngõ" mà cũng thiếu dáng mẹ trong nhà. Cũng chỉ vì tiếc tiền đi lại mà suốt 10 năm xa quê chị Cậy chưa dám về nhà lấy một lần. Chị gọi điện về bảo cố gắng làm nốt 2 năm nữa rồi về một thể. Cậu con trai út năm nay đã là học sinh lớp 6 có lẽ còn không nhớ nổi mặt mẹ vì ngày chị đi, cháu mới hơn 1 tuổi.
Cụ Nguyễn Thị Hợi, mẹ anh Trang nhớ trong lễ thượng thọ hồi đầu năm, bà con họ hàng tới chia vui rất đông. Dù anh Trang đã lo trọn bề, làm cỗ mời làng xóm tươm tất nhưng cụ vẫn chạnh lòng khi nghĩ đến người con dâu xa xứ. Cụ khoe, con dâu đã gửi về mừng thọ hẳn một chỉ vàng.
Dù hoàn cảnh không đến nỗi khó khăn như gia đình anh Trang, nhưng chị Nguyễn Thị Hà ở xóm 3, xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định lại có nỗi khổ tâm riêng. Chị lập gia đình đã 10 năm nay, có 2 con nhỏ, cháu lớn 10 tuổi, cháu thứ hai 3 tuổi rưỡi không may bị bệnh tim. Sau khi được phẫu thuật, hiện cháu vẫn yếu, cần có mẹ thường xuyên chăm sóc, thuốc thang hằng ngày nên chị không thể rời con để kiếm việc làm có thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống. Chồng chị cũng không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh. Nhiều khoản chi trong nhà, trong đó có cả tiền thuốc cho con hằng tháng trông vào khoản tiền của mẹ chị là bà Nguyễn Thị Phúc đi giúp việc gửi về.
Chị Hà kể bà Phúc làm giúp việc trên Hà Nội được 5-6 năm thì chuyển về TP Nam Định làm cho gần nhà để thi thoảng có thể về thăm con, thăm cháu. "Biết mẹ đi làm khổ cực lắm, nhất là công việc trông người già để có tiền gửi về hỗ trợ con cháu, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cũng chưa thể có cách gì khác hơn để đỡ đần cho bà. Trước đây, khi chưa lấy chồng, tôi làm công nhân may. Nhưng từ ngày sinh cháu thứ hai không may ốm yếu, tôi đành ở nhà trông con và nhận may gia công khẩu trang. Tháng nào nhiều thì kiếm được 1 triệu đồng, còn thông thường chỉ từ 700 đến 800 nghìn đồng. Mẹ tôi cũng có ý định đi làm giúp việc lâu dài vì công việc này ổn định, mỗi tháng đều đặn gửi về từ 1 đến 1,5 triệu đỡ đần con cháu", chị Hà bùi ngùi.
Những buổi sinh hoạt đặc biệt
Từ năm 2011, với mục đích hỗ trợ những người phụ nữ làm nghề giúp việc gia đình và người thân của họ, tổ chức Oxfam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng đã tiếp tục triển khai Dự án "Bảo vệ quyền lợi của người giúp việc gia đình ở Việt Nam". Dự án đã được tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có Hà Nội và Nam Định. Hoạt động của dự án can thiệp trực tiếp vào cả "đầu đi" và "nơi đến" của người giúp việc. CLB "Khi mẹ vắng nhà" là một trong những hoạt động đang phát huy hiệu quả thiết thực ở "đầu đi" tại xã Thành Lợi và Tân Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nhằm mục đích giải tỏa những bức xúc; chia sẻ những kinh nghiệm trong việc dạy dỗ, chăm sóc con cái của những gia đình có người vợ, người bà đi làm giúp việc xa.
Bà Phạm Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định chia sẻ, hiện địa phương có khá nhiều các bà, các chị đi làm ăn xa, trong đó có nghề giúp việc. Khó khăn hiện tại là nghề chưa nằm trong danh mục nghề Nhà nước quy định. Do đó, nhận thức, quan niệm về nghề và nhìn nhận đánh giá của cộng đồng và chính người giúp việc về nghề chưa thật đúng và cởi mở. Được sự quan tâm của nhà tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và phát triển cộng đồng đã hỗ trợ để tập huấn, truyền thông, thành lập những CLB "Khi mẹ vắng nhà", tập huấn kiến thức về nghề giúp việc. Bằng các hình thức tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt CLB giúp cho người dân trong cộng đồng, bản thân chị em phụ nữ, cấp ủy, chính quyền địa phương nhìn nhận đúng hơn về nghề, tạo điều kiện cho người phụ nữ đi làm giúp việc có thêm kiến thức, kỹ năng, niềm tin và tự tin để đi làm nghề tốt hơn.
Cũng nhờ những hoạt động thiết thực của CLB, "đánh trúng" vào những thiếu hụt cần phải trang bị cho gia đình của những người giúp việc nên đã có rất đông thành viên tham gia CLB. Cứ mỗi tháng một lần, vào đầu giờ tối, tại trụ sở của UBND Tân Thành lại vang lên tiếng nhạc, tiếng nói tiếng cười. Gác lại tất cả những bận bịu, mệt nhọc trong cuộc sống, những người mẹ, người chồng, người con… của những phụ nữ đi giúp việc gia đình lại có dịp quây quần vui vẻ. Những buổi sinh hoạt tháng 3 vừa qua với chủ đề chào mừng ngày phụ nữ 8-3, thông qua hình thức "hái hoa dân chủ", các thành viên đã mang đến những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, được cung cấp kiến thức về cách nuôi trẻ nhỏ, tổ chức bữa ăn giàu dinh dưỡng trong gia đình và đặc biệt là nhiều kiến thức đơn giản liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của người giúp việc.
Qua những CLB còn chưa nhiều như thế này, sự nhìn nhận về công việc của người phụ nữ đi làm "ô sin" được cải thiện đáng kể. Không còn chuyện tự ti khi trong gia đình có người đi làm giúp việc khi những người chồng ở nhà nhận thức và chia sẻ nỗi truân chuyên của những người làm nghề xa quê hương biền biệt. Ở quê nhà những người đàn ông trở thành hậu phương vững chắc trong việc chăm sóc con cái, duy trì mái ấm ổn định khi mẹ vắng nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.