(HNMCT) - "Những bức tranh cũng lên đường chống dịch” - đó là cách nói vui về phong trào đấu giá tranh tạo quỹ ủng hộ chống dịch của giới cầm cọ trong thời gian qua. Được tổ chức sôi nổi ở nhiều nhóm họa sĩ với quy mô khác nhau, phong trào này đã tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người yêu tranh, cổ vũ toàn dân, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch.
Phong trào sôi nổi
Trong bối cảnh đại dịch, công chúng như được sống lại cảm xúc của một thời kỳ hào hùng của dân tộc, khi chứng kiến người nghệ sĩ cũng trở thành chiến sĩ. Người mang tiếng hát, âm nhạc đến bệnh viện dã chiến, khu cách ly; người trở thành tài xế trên những chuyến xe cấp cứu; người góp sức cho những bếp cơm không đồng... Và giới họa sĩ, dù đặc trưng hoạt động của họ trầm lặng hơn nhưng cũng chứng minh vai trò chiến sĩ bằng rất nhiều hoạt động ý nghĩa, sôi nổi, nhất là phong trào đấu giá tranh để làm từ thiện.
Nhóm “Tranh giấy dó” với hơn 4,6 nghìn thành viên trên facebook vừa thực hiện 2 phiên đấu giá tranh gây quỹ “Chuyến rau vui vẻ” gửi tới bà con, người có thu nhập thấp tại thành phố Hồ Chí Minh. Hơn chục họa sĩ gửi tranh đóng góp cho phiên đấu giá, 100% số tiền thu được đều dùng để đóng góp vào quỹ. Anh em họa sĩ nhóm “Đa diện” cũng tổ chức đấu giá những tác phẩm mới sáng tác để đóng góp cho chương trình “Người trong một nước...”, quỹ “Mỗi ngày một quả trứng”. Trước đó, một số họa sĩ nhóm 33A cũng đã có phiên đấu giá thành công đồng hành cùng quỹ “Gieo gạo”, lấy kinh phí mua nhu yếu phẩm chuyển tới các hộ gặp khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh...
Bên cạnh các buổi đấu giá có quy mô nhỏ, dịp này, giới hội họa còn được chứng kiến những buổi đấu giá có quy mô lớn với mục đích từ thiện. Nổi bật trong số đó có thể kể đến những buổi đấu giá tranh để mua giường tặng các bệnh viện dã chiến do nhà nghiên cứu Lý Đợi phát động. Các họa sĩ, nhà sưu tầm đã gửi đến hoạt động này hơn 90 bức tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Quốc Thái, Lê Triều Điển, Thành Chương, Phạm An Hải, Đinh Quân, Bùi Tiến Tuấn... Kết quả, hơn 1 tỷ đồng tiền đấu giá tranh đã được chuyển thành giường, máy thở, xe lăn... ủng hộ cho các bệnh viện dã chiến ở phía Nam.
Trong 2 ngày cuối tuần qua (ngày 28 và 29-8), Báo Tiền Phong cũng tổ chức đấu giá tranh trực tuyến với chủ đề “Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch” trên fanpage Báo Tiền Phong. 12 tác phẩm của nhiều họa sĩ nổi tiếng như Đoàn Văn Nguyên, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đặng Tiến... được gửi tặng cho chương trình, thu hút rất đông người yêu tranh tham gia đấu giá.
Niềm vui chia sẻ
Có thể thấy, hoạt động đấu giá tranh gây quỹ phòng, chống dịch Covid-19 đã được các họa sĩ bắt tay thực hiện kể từ khi đại dịch tràn vào nước ta và càng sôi nổi hơn trong những ngày dịch bùng phát căng thẳng. Hầu hết những buổi đấu giá đều được thực hiện rất nhanh chóng với nguồn tranh chủ yếu là xin - cho - tặng, nguồn thu được gửi đến các quỹ thiện nguyện hoặc dùng để mua hàng hóa ủng hộ vùng dịch. Mặc dù được tổ chức hoàn toàn theo hình thức online, nhưng việc mua bán diễn ra rất nhanh chóng nhờ chất lượng tranh tốt, có sự tham gia của nhiều họa sĩ tên tuổi. Chẳng hạn, ở chuỗi 3 phiên đấu giá do nhà nghiên cứu Lý Đợi tổ chức, trong 82 bức tranh, ảnh và gốm lên sàn đấu giá, chỉ có 6 bức chưa bán được ngay. Theo nhà nghiên cứu này, đây là một tỷ lệ nằm ngoài mọi mơ ước, nó chỉ có thể lý giải bằng tình yêu thương mà mọi người dành cho người dân thành phố Hồ Chí Minh trong cơn bão dịch bệnh. Chỉ có tình yêu với đồng bào mới tạo nên một sự ủng hộ nhiệt tình, thiết thực như vậy.
Trên fanpage đấu giá tranh của Báo Tiền Phong, có thể thấy nhiều bức tranh được “mua ngay trong một nốt nhạc” - cách nói vui của khán giả theo dõi, cho thấy chất lượng tranh cũng như sự quan tâm của giới sưu tầm, giúp ý nghĩa của hoạt động đấu giá được lan tỏa nhanh chóng.
Chia sẻ về hoạt động của anh em họa sĩ Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Trường Linh không giấu nổi niềm vui. Anh cho rằng, việc lập ra các trang đấu giá trực tuyến, bán các tác phẩm nghệ thuật với mục đích từ thiện đang diễn ra sôi nổi, mang đến niềm vui cho anh em họa sĩ. Cùng với đó là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà sưu tầm, công chúng yêu tranh. Tất cả tạo nên sự cộng hưởng, niềm hạnh phúc cho cả người sáng tác, người sưu tầm lẫn cộng đồng khi chung tay góp sức cùng cả nước chống dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.