Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi đảng viên làm kinh tế giỏi

Bảo Hân| 17/03/2023 06:23

(HNM) - Trong nỗ lực cống hiến chung của cộng đồng doanh nghiệp đang “kề vai góp sức” vượt qua khó khăn, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nhiều chủ doanh nghiệp là đảng viên. Bằng bản lĩnh của mình, họ đã tiên phong vượt khó, từng bước có những đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô.

Sản xuất phở khô tại Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam.

Chung bầu nhiệt huyết

Hơn 10 năm trước, đảng viên Lê Huy Tiến (47 tuổi, quận Hà Đông) quyết định nghỉ việc tại một doanh nghiệp nhà nước có danh tiếng để rẽ ngang sang kinh doanh. Ông quyết định “thử sức” ở thị trường đồ uống cho giới trẻ với mong muốn tạo lập thương hiệu của người Việt Nam, từng bước lấy lại thị phần từ các hãng đồ uống ngoại nhập khi đó đang “làm mưa làm gió” tại Hà Nội.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, Công ty TNHH Daboba Việt Nam do ông Tiến làm Giám đốc đã phát triển được chuỗi 45 cửa hàng kinh doanh đồ uống tại Hà Nội, trong đó sản phẩm chủ lực là trà sữa, kem tươi, sữa chua... “Các sản phẩm phải liên tục thay đổi để bắt “trend”, tức theo kịp xu hướng thích mới lạ của các “thượng đế” trẻ tuổi. Điều quan trọng nhất chúng tôi luôn tâm niệm là dù bao bì, mẫu mã có thể liên tục cập nhật nhưng chất lượng đồ uống phải được duy trì ổn định”, ông Tiến chia sẻ.

Do đó, nguyên liệu công ty nhập vào có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ hóa đơn chứng từ, bảo đảm tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn 200 nhân viên được đào tạo kỹ càng về quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ tuân thủ triệt để những nguyên tắc này, thương hiệu mà công ty dày công gây dựng  đã “định vị” rõ nét tại thị trường Hà Nội. Năm 2023, Công ty TNHH Daboba Việt Nam dự kiến mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận và tiến xa hơn, giành một phần thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, với ước mơ vươn tầm ra thế giới, nữ doanh nhân, đảng viên trẻ Trần Thị Thu Hằng (38 tuổi), Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam  đang dần xây dựng cho mình chỗ đứng vững chắc trên thị trường với sản phẩm tiêu biểu là phở khô. Sản phẩm vinh dự được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022” và được UBND thành phố Hà Nội đánh giá là sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

“Kết quả nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước cho thấy các sản phẩm cùng loại như bún, phở khô, bánh đa nem rất phong phú, đa dạng nhưng đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu về  hương vị với người sành ăn. Hướng tới đối tượng khách hàng là người Việt ở nước ngoài hoặc người nước ngoài sang Việt Nam, công ty đã nghiên cứu và hợp tác cùng một số cơ sở sản xuất làng nghề, áp dụng công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản, tạo ra sản phẩm chất lượng, giữ được hương vị truyền thống, đáp ứng thị hiếu của những người sành ăn”, chị Trần Thị Thu Hằng giới thiệu.

Ngày 14-12-2022 ghi dấu ấn không thể quên khi lô hàng đầu tiên của công ty đã được ghép container xuất khẩu sang Pháp. Trước mắt, công ty đang đàm phán để đưa sản phẩm sang một số quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Trung Quốc; hoàn thiện thủ tục Chứng nhận Halal để đưa sang các quốc gia theo đạo Hồi. Còn ở trong nước, các mặt hàng bún, phở khô, bánh đa nem của công ty không chỉ khẳng định uy tín tại thị trường Hà Nội mà còn được người tiêu dùng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang… biết tới.

Ông Lê Huy Tiến hay chị Trần Thị Thu Hằng chỉ là những ví dụ tiêu biểu trong hàng nghìn người đứng đầu doanh nghiệp là đảng viên, có chung tâm huyết cống hiến, phụng sự cho cộng đồng.

Góp sức cho sự nghiệp phát triển

Dù gặp nhiều khó khăn, song kinh tế Thủ đô đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả khả quan. Thông tin từ Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong tháng 2-2023, trên địa bàn thành phố có 2.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, có 3.691 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38.218 tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022).

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98,2% trên tổng số 348.000 doanh nghiệp của thành phố, chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Với quy mô, tầm vóc còn khiêm tốn, song cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có không ít đảng viên, đã thể hiện được vị thế đáng kể với những đóng góp chung trong giai đoạn vừa qua khi duy trì sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Bước vào giai đoạn “vượt khó” hiện nay, hơn 10.000 hội viên là các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 câu lạc bộ, chi hội, hội trực thuộc trên địa bàn Thủ đô đều đang đồng lòng khắc phục khó khăn, tạo nhiều bứt phá, đặc biệt trong đó có đội ngũ những người đứng đầu doanh nghiệp là đảng viên. Thực tiễn đã chứng minh họ là những người gương mẫu trong công việc, kiên trì phấn đấu và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, luôn xứng đáng với phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng.

“Hiệp hội đang tích cực thực hiện các hoạt động đối thoại và truyền thông chính sách, kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư, liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố, các quốc gia trong khu vực, hỗ trợ giải pháp về tài chính, đào tạo nâng cao năng lực, xây dựng, tư vấn thương hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội kỳ vọng ngoài nỗ lực tự thân, những giải pháp cụ thể được thành phố thực hiện sẽ tạo động lực để ổn định hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào mục tiêu, kế hoạch của thành phố”, ông Mạc Quốc Anh thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi đảng viên làm kinh tế giỏi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.