(HNM) - Trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra mô hình hội đồng tự quản học sinh gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban tham gia hội đồng.
Em Nguyễn Minh Thu (HS lớp 5A, Trường Tiểu học Đặng Xá):
- Trong mỗi lớp học, các bạn lớp trưởng, lớp phó có nhiệm vụ rất quan trọng. Các bạn quản lớp khi thầy cô đi vắng, thống kê các bạn HS vi phạm nội quy của trường, phát động các phong trào thi đua của lớp, của trường... Đó đều là những bạn HS chăm ngoan, sức học thuộc diện “đỉnh” của lớp. Em nghĩ, nếu thay chức danh “lớp trưởng” bằng “chủ tịch” thì nghe sẽ rất... oai, trọng trách và nhiệm vụ của các bạn ấy sẽ càng lớn hơn.
Em Lê Minh Trang (HS lớp 6D, Trường THCS Ái Mộ):
- Theo em, việc thay đổi chức danh chỉ là thay cách gọi khác mà thôi, không có gì quan trọng với HS tiểu học. Nhưng, khi còn học bậc tiểu học, em đã quen với chức danh “lớp trưởng” rồi, nghe thân quen, gần gũi hơn cách gọi “chủ tịch” có phần người lớn và cứng nhắc quá. Nhiều bạn HS học giỏi, mới đầu rất hòa đồng, giúp đỡ các bạn khác trong lớp nhưng sau khi được bầu làm “lớp trưởng”, hay “lớp phó”, “tổ trưởng” lại đổi khác hẳn. Tự cho mình có chức danh trong lớp nên các bạn ấy rất hay ra oai, bắt nạt bạn bè, thậm chí còn bị cả lớp ghét vì chuyên “mách lẻo”, nói xấu các bạn khác với thầy, cô giáo. Nếu được gọi một cách oai hơn là “chủ tịch” thì không hiểu các bạn ấy sẽ xử sự ra sao. Liệu có hống hách không?
Cô Nguyễn Hồng Nhung (phụ huynh HS, 12 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội):
- Khác với môi trường giáo dục của nước ta, trẻ em nước ngoài thường rõ tính tự lập, tham gia các hoạt động tập thể tốt hơn so với trẻ em Việt Nam. Trong khi đó, ở ta, nhiều em HS bị nhiễm căn bệnh thành tích của người lớn, việc thay cách gọi “lớp trưởng” thành “chủ tịch” có thể sẽ có tác dụng ngược, tạo nên sự ganh đua một cách không lành mạnh giữa các em HS trong cùng một lớp nếu các thầy cô không theo sát các em. Thực tế, việc thay đổi tên gọi chức danh không quan trọng bằng việc giáo dục cho các em hiểu nhiệm vụ và trọng trách của mình khi trở thành “thủ lĩnh” của lớp.
Làm “lớp trưởng” hay “chủ tịch”, các em không nên tự cho mình quyền ra oai, bắt nạt các bạn khác, mà phải cố gắng trở thành tấm gương mẫu mực trong học tập, sinh hoạt để cả lớp noi theo. Tuy nhiên, nếu công tác quản lý tốt thì việc để cho các bạn HS trong lớp được tham gia bầu chọn “chủ tịch” cũng rất hay. Việc làm này sẽ giúp các em cảm thấy tự tin, độc lập và công bằng hơn. Một bạn “chủ tịch” do cả lớp bình chọn chắc chắn sẽ là HS gương mẫu, hòa đồng và được mọi người yêu quý. Cách này hiệu quả hơn so với việc thầy, cô giáo chỉ định “lớp trưởng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.