Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi bút vẽ cũng là vũ khí

ANHTHU| 17/04/2005 08:22

Chỉ có người trong cuộc mới vẽ được như thế này !” – Bác Hồ đã nhận xét như vậy khi xem triển lãm tranh ký họa miền Nam tại Hà Nội vào năm 1966. Lời Bác giản dị mà chỉ ra một ý nghĩa thật sâu xa : Nếu nghệ sĩ không lăn mình trong hiện thực sôi động và hòa đồng cùng với những con người kiên cường của dân tộc thì làm sao có thể vẽ nên những bức tranh hùng hồn và lay động người xem đến vậy.

Tác phẩm "Dừng lại" của họa sĩ Lê Lam

“Chỉ có người trong cuộc mới vẽ được như thế này !” – Bác Hồ đã nhận xét như vậy khi xem triển lãm tranh ký họa miền Nam tại Hà Nội vào năm 1966. Lời Bác giản dị mà chỉ ra một ý nghĩa thật sâu xa : Nếu nghệ sĩ không lăn mình trong hiện thực sôi động và hòa đồng cùng với những con người kiên cường của dân tộc thì làm sao có thể vẽ nên những bức tranh hùng hồn và lay động người xem đến vậy.Bức ảnh đăng cùng bài viết này do được một phóng viên TTX Giải Phóng chụp vào đầu năm 1969, khi Bác Hồ đến thăm triển lãm tranh và ký họa từ miền Nam gửi ra lần thứ 3 tại Bảo tàng Mỹ thuật.

Chúng tôi tìm đến nhà họa sĩ Lê Lam, tác giả của bức tranh Dừng lại ! mà Bác Hồ đang ngắm nhìn trong tấm ảnh năm xưa. Họa sĩ Lê Lam là một trong nhiều họa sĩ Hà Nội đã không quản ngại gian nguy xin được đi B để tham gia chiến đấu bằng cây bút vẽ của mình. Vừa cho chúng tôi xem hàng tập lớn nhỏ các bức ký họa, tranh cổ động được ông vẽ trong thời gian sống cùng quân dân miền Nam, ông vừa kể những câu chuyện hết sức cảm động thời chiến. Từng chi tiết nhỏ, những con số, ngày tháng, tên người, tên đất dường như không bị lu mờ trong ký ức ông suốt hơn 30 năm qua. “Ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật quốc gia Ki-ep (Liên xô) năm 1964, tôi đã xin bằng được về vùng nào nóng nhất, đấu tranh chống Mỹ sôi động nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông Tư Bảo, trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Long An khi đó đã giới thiệu tôi về An Ninh, Lộc Giang, một vùng giải phóng chỉ cách Sài Gòn50km. Đó là một vị trí then chốt nên ngụy lập đồn bốt quanh đó, còn những sư đoàn chủ lực của Mỹ như Tia chớp Nhiệt đới, Kỵ binh bay thườngxuống vùng đó càn quét, làm thành những vùng hủy diệt rộng lớn để bảo vệ Sài Gòn. An Ninh và Lộc Giang là 2 xã nổi nhất thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An về phong trào diệt Mỹ bằng lựu đạn gài và ong vò vẽ. Một ấp của xã An Ninh chỉ có 1 khẩu súng mà có tới 11 dũng sĩ diệt Mỹ”.

Tranh cổ động của nữ họa sĩ Trương Ngọc Hiên vẽ năm 1972

Họa sĩ Lê Lam ở nhà anh Tám Ngọt, xã đội trưởng. Hàng ngày ông đi theo các nhóm du kích, tối về trò chuyện cùng các mẹ, các chị đang hăng hái vót chông. Ông đã vẽ hàng nghìn bức ký họa nhỏ về du kích, dân quân, giao liên, thanh niên xung phong... Dừng lại ! là tác phẩm ông tâm đắc nhất, diễn tả cảnh chị Tư Cào dang tay chặn đoàn xe tăng địch đang hùng hổ cày nát vào cánh đồng lúa và hoa màu của dân làng, nhả khói đen khói trắng, trên đầu là những chiếc máy bay trực thăng bay là là. Đây là câu chuyện có thực về người phụ nữ dũng sĩ đấu tranh chính trị số 1 của tỉnh Long An. Hoạ sĩ đã hỏi : “ Chị Tư ơi, em hỏi thật lúc đó chị thấy có ớn không?”. “ớn chứ ! Trông tụi nó như thế làm sao mà không ớn, nhưng lúc đó giận quá đi, giận không chịu nổi và chị đã đứng lên. Khi đã đứng lên, khoát tay ngăn chúng dừng lại thì lúc đó chị hết sợ, quên chết và cứ thế mà la : Dừng lại !”.

Sau này, khi chuyển sang hoạt động ở Bến Tre, họa sĩ đã vẽ bức Dừng lại ! lên một tấm tôn kẽm lớn 2x3,5 m, dưới kẻ dòng chữ đậm Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục ! Mặt bên kia ông vẽ cảnh quân dân ta bắn rơi máy bay Mỹ với hàng chữ Toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ! Nhân 2 ngày ngừng bắn trong dịp Phật Đản (4-5-1967), quân ta đã treo bức tranh lớn này lên giữa hai cây bông gòn cao, nơi bến tàu gần chợ Thơm, huyện Mỏ Cày, chỗ bà con các nơi qua lại nhiều. Còn các bức ký họa được tổ chức thành cuộc triển lãm lưu động. Bà con đã tới xem rất đông. Thậm chí buổi tối, họ xem tranh dưới ánh đèn măng sông, còn bức tranh lớn được soi đèn pin. Hai ngày sau hết lệnh ngừng bắn, một chiếc tàu mặt dựng của Mỹ nguỵ đổ quân lên càn. Chúng tháo bức tranh, treo lên mạn tàu mang về theo lệnh một sĩ quan Mỹ, vì tay này thấy đó là một bức tranh đẹp. Một cuộc triển lãm chuyển động dọc theo dòng sông đã diễn ra. Bà con trên bờ vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt khi bức tranh đi qua.

Nếu để phác họa chân dung dân tộc Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, thì đó là tinh thần lạc quan, ý chí bất khuất kiên cường được thể hiện trên hàng nghìn, hàng triệu tranh ký họa và cổ động của các họa sĩ, mà hầu hết trong số đó là ngườiHà Nội hoặc được đào tạo tại Hà Nội. Nhiều người từng là lính, tay súng tay bút xông pha trên các mặt trận, khắp các nẻo đường Trường Sơn, vùng giải phóng. Các họa sĩ Đức Dụ, Hoàng Đình Tài, Phạm Viết Hồng Lam là chiến sĩ binh trạm 42, một binh trạmác liệt trên đất A Sầu A Lưới,Trần Việt Sơn ở chiến trường khu 5, Trương Hạnh ở sư đoàn 304 chiến đấu ở Khe Sanh, Thanh Châu, Phạm Việt ở cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam, Nguyễn Vĩnh Phúc vẽ tranh cổ động cho báo Trường Sơn, Văn Đa, Huy Toàn ở xưởng họa của Tổng cục Chính trị... Chỉ với những bút chì, bút sắt, bút lông, bột màu, mực nho, có khi là mẩu than giản dị, cùng những tấm bìa, giấy vẽ khổ nhỏ với bút pháp chân phương mộc mạc, mà các họa sĩ đã thâu tóm, khắc hoạ sâu sắc hiện thực sôi động, hào hùng của cả dân tộc: những sinh hoạt chiến đấu gian khổ, ngoan cường ở con đường Trường Sơn huyền thoại với những trọng điểm ATP ( Cua chữ A, sông Nậm Ta Lê, đèo Phu La Nhích), trọng điểm Tha Mé, những chiến trận lẫy lừng như ấp Bắc, Đồng Xoài, Bình Giã, U Minh, Núi Thành, Khe Sanh, Đường Y, Quảng Trị, những cuộc chiến đấu sát sườn địch trên Củ Chi đất thép, hay ở những căn cứ địa kiên trinh như Tây Ninh, Đồng Tháp, chiến khu Đ...Trong đó có bao bức tranh từng nhuộm màu khói lửa đạn bom và đẫm cả máu đào của các hoạ sĩ trên chiến trận. Hàng trăm cuộc triển lãm lưu động đã được tổ chức ngay trong các chiến hào, lán trú quân, giữa những lúc ngừng tiếng súng, tại các thôn ấp đã có sức mạnh cổ vũ tinh thần to lớn đối với quân và dân ở hậu phương cũng như tiền tuyến. Hoạ sĩ Đức Dụ nhớ lại: “Lúc máy bay B52 đánh rát ở dốc Con Mèo (trên đường Trường Sơn, phía tây Thừa Thiên) tôi chỉ nghĩ đến cuộn tranh mới vẽ xong, chứ chẳng nghĩ gì đến cái chết”.

Bác Hồ xem bức tranh "Dừng lại" trong triển lãm tranh và ký hoạ từ miền Nam gửi ra tại Bảo tàng Mỹ thuật

Tại thủ đô Hà Nội, hậu phương lớn ngày đêm sản xuất và tự vệ chống chiến tranh phá hoại để chi viện cho miền Nam, tranh cổ động trên những tấm panô, áp phích lớn luôn có mặt kịp thời, trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Nhiều bức tranh đã gắn bó với cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất và đi vào tiềm thức, kỷ niệm của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào, đồng thời là dấu ấn đậm nét về những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và dân tộc: Tổ Quốc cần điện như cơ thể cần máu (Đỗ Mạnh Cương vẽ năm 1967), Hoan hô quân dân miền Nam anh hùng giáng đòn sấm sét vào đầu Mỹ ngụy (Bùi Xuân Phái vẽ năm 1968), Quyết tâm bảo vệ bầu trời thủ đô, Việt Nam nhất định thắng ! (Trường Sinh vẽ năm 1967), Đế quốc Mỹ sợ ánh sáng (Nguyễn Sáng vẽ năm 1968), Hoa chiến công nở rộ khắp hai miền (Phan Kế An vẽ năm1968), Sẵn sàng tòng quân (Huy Toàn vẽ năm 1968), Không có gì quý hơn độc lập tự do ! (Lê Thanh Đức vẽ năm 1969), Sức sống không thể hủy diệt (Đường Ngọc Cảnh vẽ năm 1968),... Hầu như cả giới hoạ sĩ khi đó không ai là không cótranh cổ động phục vụ công tác tuyên truyền, động viên kháng chiến. Tranh cổ động được in hàng vạn bản gửi ra chiến trường, vào vùng địch hậu, có mặt trên các nẻo đường hành quân, được vẽ phóng to trên những tấm panô lớn căng trên nóc nhà Ngân hàng, Bách hoá Tổng hợp, các ngã tư lớn, khắp các đường phố, năm cửa ô Hà Nội. Nữ họa sĩ Trương Ngọc Hiên khi đó làm việc tại phòng Thông tin Cổ động của Sở Thông tin Tuyên truyền Hà Nội kể lại: “Hàng ngày tin chiến thắng, số máy bay rơi, số giặc lái bị bắt sống được chúng tôi kẻ vẽ lên những tấm panô lớn, những bức tranh cổ động này được dựng trên các giàn giáo tre lớn trước đền Bà Kiệu, Cửa Nam, chợ Mơ. Chúng tôi chú ý kẻ những con số thật to đậm, màu tươi rói để dễ đập vào mắt nhân dân. Tấm bản đồ chiến sự cũng thường được sử dụng, những mũi tên màu đỏ tươi được vẽ to, mạnh mẽ thể hiện đường hành quân thần tốc của quân ta, còn quân địch là những mũi tên đen, mảnh và nhỏ. Hàng chục phụ động (thợ kẻ vẽ) làm việc ngày đêm để giúp các họa sĩcập nhật thông tin chiến thắng mới trong ngày lên các tấm panô, áp phích. Tất cả những bức tường lớn trên đường phố cũng được tận dụng để kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động. Nhân dân qua lại xem rất đông và gương mặt họ rạng rỡ niềm tin vào chiến thắng”

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi bút vẽ cũng là vũ khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.