(HNM) - Gần 10 năm nay, bé Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1999, ở thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) bị cha đẻ hành hạ: dùng kìm bẻ răng, đánh gãy tay, lấy liềm bổ vào người, lấy gậy đánh thành thương tích, lấy búa đinh đập vào tay, chân, xích vào chân giường… Sự việc trên gây bức xúc trong dư luận, nhưng đến giờ, chính quyền xã vẫn khăng khăng cho rằng không có việc gì lớn?
Sự việc trên gây bức xúc trong dư luận, nhưng đến giờ, chính quyền xã vẫn khăng khăng cho rằng không có việc gì lớn?
Chứng cứ rành rành
Ngày 2-6, sau khi bị cha bắt ăn lòng cá thiu, đau bụng đi ngoài, bé Thúy rủ em trai (Nguyễn Hữu Thanh, 10 tuổi) đi tìm mẹ. Đến xã Đông Xuân (Sóc Sơn), có người thấy hai cháu bé đi lang thang liền hỏi thăm, gọi điện thoại cho bố cháu đến đón. Khi bố cháu (Nguyễn Hữu Thuyên, sinh năm 1971) tới, bé Thúy nhất định không về, ôm gốc cây khóc. Người bố quay về nhà mang chiếc xích chó đến xích tay Thúy vào yên xe, dọa: "Nếu không về, tao sẽ kéo như kéo chó về". Bị người dân xã Đông Xuân phản ứng dữ dội, Thuyên đành quay về nhà, nhờ em trai là Mão đi đón con về...
Bản tài liệu dài 4 trang, dày đặc chữ của CA huyện Sóc Sơn được lập ngày 14-6-2011: "Báo cáo về vụ án Nguyễn Hữu Thuyên hành hạ con từ năm 2006 đến nay" đầy rẫy thống kê về những hành vi dã man đến không thể tin rằng lại có thể xảy ra giữa con người với con người . Theo báo cáo này, từ năm 2002, bé Thúy (khi đó mới 3 tuổi) đã bị cha đánh gãy tay, bắt ngủ ở chuồng bò. Năm 2006, Thúy bị cha đánh nhiều lần, bắt ngủ trên bao tải dứa rải dưới sàn nhà vào mùa đông. Thậm tệ hơn, vì nghịch dại nên Thúy đã bị Thuyên ''phạt'' bằng cách lấy kim xâu lỗ tai rồi lấy chỉ buộc, gây nhiễm trùng. Tiếp theo là Thuyên giật đứt phần dái tai của bé; dùng dây thừng trói tay treo lên cành cây… Bản báo cáo cũng khẳng định: Sau khi bị kết án 12 tháng cho hưởng án treo, Thuyên không từ bỏ thói vũ phu mà còn hành hạ con độc ác hơn. Cách đây 3-4 năm, Thuyên đã dùng kìm bẻ răng cửa của con gái. Hồi học lớp 1 (Thúy không nhớ năm nào, cháu học 3 năm lớp 1), cháu bị cha cắt cao su từ dép tông ra nhét vào hai lỗ tai, làm cháu bị viêm tai giữa, hiện giờ vẫn có mủ. Từ tháng 5-2001, cháu thường xuyên bị cha xích tay vào giường… Sau vụ việc xảy ra ngày 2-6, nhận thấy hành vi của Thuyên là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người khác... CA huyện Sóc Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Thuyên về tội hành hạ con, ra lệnh bắt tạm giam trong thời gian 2 tháng đối với Thuyên.
Chính quyền xã khẳng định: Không có chuyện gì lớn…
Sáng 22-6, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi làm việc tại UBND xã Đức Hòa. Tại đây, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Chí Dũng cho biết: Ông mới được huyện tăng cường về xã từ cuối năm 2010, nên chưa nắm rõ tình hình. Trong khi đó, Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Tuất nói: Việc Thúy bị cha hành hạ dã man, xã đã nhiều lần giáo dục, bắt Thuyên làm cam kết không tái phạm. Ông Tuất khẳng định: "Đó là chuyện từ trước năm 2004. Từ sau khi bị khởi tố vì tội hành hạ con (nghe đâu vào năm 2006), ông Thuyên đã thay đổi". Ông Tuất cho biết, từ trước tháng 9-2010, ông là trưởng thôn Đức Hậu, nên nắm rõ tình hình. Đồng tình với ông Tuất, Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Thị Đường, cán bộ chuyên trách văn hóa (phụ trách lĩnh vực gia đình) Nguyễn Văn Liên, Phó trưởng CA xã Quách Văn Trúc đều khẳng định: Không có chuyện gì lớn, chỉ là thỉnh thoảng bố cáu vì uống rượu, đánh con vài roi để dạy dỗ vì cháu Thúy rất nghịch, hay bỏ nhà đi lang thang. Hoàn toàn không thấy cháu và gia đình báo cáo gì, dư luận hàng xóm cũng không phản ánh gì?…
Đáp ứng nhu cầu gặp gỡ cháu Thúy của PV Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Thị Đường đưa chúng tôi vào xóm. Tần ngần đứng trước mấy cái cổng phơi đầy rơm, bà Đường chợt mừng rỡ khi thấy cháu Thanh (em ruột Thúy) đi ra, liền hỏi nhà cháu ở đâu. Đi cùng bà Đường vào nhà, chúng tôi được cháu Thúy đón từ ngoài sân. Bé Thúy người nhỏ thó, đen sạm, ngần ngại nhìn người lạ vào nhà mình. Sau phút làm quen, chúng tôi nhận rõ dái tai phải cháu bị rách xẻ xuống, một cánh tay bị tật lồi hẳn từ khớp khuỷu ra, hàm răng khuyết 4 chiếc răng cửa. Quay sau lưng, chúng tôi chứng kiến hai mông em bé chi chít sẹo. Phần eo lưng gần cột sống hằn rõ một sẹo lồi có đường kính chừng 5-6cm. Khi được hỏi "con bị đánh có đau không", cháu im lặng, lát sau mới trả lời: "Không được nói, nói sẽ bị bắt đi".
Rời nhà cháu Thúy, bà Đường dẫn chúng tôi ra cánh đồng Lạc tìm mẹ cháu (chị Nguyễn Thị Miến, sinh năm 1974) đang gặt lúa. Ngừng tay liềm, chị Miến cho biết: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị bệnh gan, sức khỏe kém nên chị phải thường xuyên xa nhà đi làm ăn, mỗi lần đi từ vài ngày đến hơn 1 tuần mới về 1-2 ngày. Mỗi tuần chị kiếm được từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng. Tuy vậy, tiền thuốc thang cho chồng chiếm phần lớn chi tiêu trong nhà. Khi được hỏi về trách nhiệm với đứa con gái thường xuyên bị đánh đập dã man, chị khóc và cho biết, nhiều lần được con nói là ở nhà bị bố đánh đập, nhưng vì hoàn cảnh, chị không biết làm thế nào, đành cam chịu, tiếp tục đi làm ăn xa. "Đến em còn thường xuyên bị đánh không thương tiếc nữa là nó. Mỗi khi bị đánh, em chỉ im lặng chịu đòn, không dám kêu khóc. Kêu thì chỉ có chết".
Trên đường về làng, ngoài việc khẳng định Hội Phụ nữ xã đã tham gia cùng các đoàn thể vận động Thuyên không đánh đập con, bà Đường không hề đề cập đến việc bảo vệ chị Miến và cháu Thúy. Trả lời câu hỏi của PV Báo Hànộimới về Đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, bà Đường hứa: Ngay chiều 22-6, bà sẽ cho họp Ban Thường vụ Hội LHPN xã, tìm biện pháp giải quyết.
Ra về, lòng chúng tôi day dứt mãi. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định tại Điều 8: "UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em". Trong khi đó, một đứa trẻ bị đánh thành thương tích với những chứng cứ rành rành lại không được chính quyền xã với đầy đủ các ban bệ bảo vệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.