(HNM) - Gần 40 triệu đồng là số tiền mà các thành viên của đại gia đình Hànộimới đã đóng góp để đỡ đầu cho các cháu nhỏ mồ côi được nuôi dưỡng trong chùa Xuân Vi (huyện Thạch Thất)...
Từ tiếng "khóc" của đồng nghiệp
Còn nhớ hôm đó là buổi giao ban đầu tuần. Trong phòng họp, Tống Ngọc Thanh, Phó Trưởng ban Phóng sự - Điều tra ghé tai tôi: "Ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất có ngôi chùa nuôi 7 đứa trẻ mồ côi. Nghe nói khó khăn lắm, chị xem có cách gì giúp không?". Linh tính mách bảo, hôm sau tôi về ngay Hương Ngải hỏi đường vào chùa. Giữa không gian sạch sẽ, thoáng mát, những đứa trẻ nô đùa sau cánh cửa. Sư thầy Thích Đàm Thúy, trụ trì chùa kể cho tôi nghe về những đứa trẻ bị chính cha mẹ chúng bỏ lại cửa chùa vì nhiều lý do khác nhau: Nguyễn Thị Bích Loan là cô bé "xông đất" chùa đầu tiên, đó là vào tháng 11-2007. Sư thầy bảo: "Năm đó rét lắm. Chùa còn nghèo, nhà cửa trống trải. Loan khi đó là đứa trẻ sinh thiếu tháng, nặng hơn 1kg". Ngày ấy, sư thầy bế Loan đi khắp làng vào những gia đình đang nuôi con nhỏ xin bú trực.
Cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới tặng quà Trung thu cho các cháu tại chùa Xuân Vi. |
Rồi cứ thế, lần lượt những đứa trẻ được chính người sinh thành ra chúng mang tới gửi ở cửa chùa. Sư thầy đón nhận và đặt cho các bé những cái tên: Nguyễn Thị Khánh Linh, Nguyễn Thị Thùy, Lê Huyền Trang, Nguyễn Anh Đức... Và hôm chúng tôi về, nhà chùa vừa tiếp nhận một bé gái, sau này được sư thầy đặt tên là Nguyễn Thị Bích Ngọc. Bé Ngọc của một năm về trước cũng được để lại cửa chùa cùng mảnh giấy vỏn vẹn mấy chữ "cháu 12 tháng tuổi". Ngọc yếu lắm, chân tay mềm oặt. Sư thầy đưa ra viện kiểm tra thì ra bé thiếu canxi.
Trở về cơ quan sau chuyến khảo sát thực tế tại chùa Xuân Vi, tôi cập nhật lên Facebook tấm ảnh bé trai Nguyễn Anh Đức, 8 tuổi đang ngồi võng cho bé Ngọc bú bình sữa và cũng dự định sẽ tìm nguồn giúp các cháu ở chùa. Thật bất ngờ, tấm ảnh khiến những thành viên của gia đình Hànộimới xót thương. Đã có rất nhiều bạn nhắn tôi "chung tay giúp bọn trẻ đi chị ơi". Vậy là đúng như Phạm Thu Hằng (cán bộ Phòng Tài chính của Báo Hànộimới) nói "từ một tiếng khóc của họ Tống'' đã hình thành nên dự án nhân đạo đỡ đầu những đứa trẻ ngôi chùa làng Xuân Vi.
Tấm lòng những người làm báo và bạn bè
Được sự ủng hộ của các thành viên gia đình Hànộimới, trong một tuần đã có tới 27 người đăng ký nhận đỡ đầu các cháu nhỏ ở chùa Xuân Vi. Nhiều gia đình như Thu Hằng, Tố Khanh (Phòng Tài chính), Phạm Quỳnh, Vân Anh (Văn xã)... tranh thủ cuối tuần soạn đồ chơi, quần áo, sách vở để gửi tặng các cháu. Bạn bè các nơi như Anh Thư (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); Lê Hoa (Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam); gia đình chị Hồ Lam, Phan Thu Anh... đọc trên Facebook cũng gửi tới Báo nhiều đồ dùng, bánh kẹo và những bộ quần áo, giày dép còn mới tinh... Cứ thế, chỉ trong chưa đầy tuần lễ, một góc phòng Trung tâm Phát hành của báo trở thành đại bản doanh tiếp nhận đồ. Giám đốc Trung tâm Phát hành Trần Ngọc Bình đích thân đi chọn mua 3 chiếc bàn học Xuân Hòa để gửi tặng các cháu.
Sư thầy Thích Đàm Thúy với các cháu nhỏ vui Tết Trung thu.Ảnh: Đan Toàn |
Trước ngày xuống chùa, các thành viên Hànộimới mỗi người mỗi việc: Người phân loại đồ, người sắp xếp, gấp lại quần áo, người đóng vở, truyện, đồ chơi thành những thùng khác nhau... chuẩn bị cho ngày về chùa Xuân Vi. Rồi chúng tôi, ai ai cũng háo hức chờ ngày lên đường. Còn nhớ như in ánh mắt của bọn trẻ sau cánh cổng chùa, các cháu ít tiếp xúc với người lạ thành thử rất dè dặt. Chúng tôi, ai vào việc nấy: Trần Ngọc Bình, Lê Thu Hằng, Phạm Quỳnh lắp bàn học; Thu Hiền, Tuyết Mai hướng dẫn bọn trẻ cách sử dụng các đồ chơi; Thanh Huyền còn thức trắng đêm làm nhanh một cây giò mang cho bọn trẻ.
Với mong muốn dự án giúp trẻ ở chùa Xuân Vi có thể lan tỏa rộng hơn, một tháng sau chúng tôi tiếp tục tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo xã Hương Ngải với hy vọng "Những đứa trẻ sau cánh cổng chùa" sẽ nhận được hơn nữa sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền. 100 suất quà đã được trao tặng cho xã Hương Ngải, trong đó có những đứa trẻ ở chùa Xuân Vi. Thật ấn tượng, hôm đó những đứa trẻ trong bộ trang phục nâu sồng của chùa lần đầu đi đến nơi đông người nhận quà. Các bé còn nhỏ, ngơ ngác phải có các vãi đi cùng!!!
Trở về "ngôi nhà" Hànộimới, chúng tôi quyết định: Cứ 2 tháng một lần sẽ về chùa thăm và trao tiền trợ cấp nuôi dưỡng các em. Chúng tôi đã trở đi trở lại nhiều lần với ngôi chùa làng, nơi những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng điều kiện tốt nhất, được hưởng tình cảm yêu thương nhất từ sư thầy Thích Đàm Thúy.
Chưa bằng lòng với những gì làm được, chúng tôi đã làm việc với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam để tìm nguồn hỗ trợ cho các em. Một văn bản do đích thân Tổng Biên tập Tô Quang Phán ký gửi Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, cùng nhiều giấy tờ xác nhận nhân thân những trẻ em mồ côi được nuôi trong chùa; giấy xác nhận học lực của trường tiểu học nơi các em theo học... Tháng 7 vừa qua, trong số những hồ sơ gửi đi, Nguyễn Anh Đức đã nhận được suất học bổng trị giá 3.000.000 đồng. "Những hồ sơ còn lại sẽ cố gắng tìm cách giải quyết sao cho hợp lý, hợp tình nhất" - chị Lê Hoa, cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Một năm trôi qua thật nhanh. Cách đây hai ngày - vào chính rằm tháng Tám, chúng tôi đã trở lại chùa Xuân Vi làm lễ tổng kết một năm thực hiện dự án giúp những đứa trẻ nơi đây. Gần 40 triệu đồng đã được chúng tôi chuyển về chùa từ sự sẻ chia của các đồng nghiệp, bạn bè để cùng sư thầy Thích Đàm Thúy nuôi bọn trẻ, cùng nhiều đồ dùng, sách vở, đồ chơi. Xuân Vi giờ đây còn trở thành "địa chỉ đỏ" để các cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới ghé thăm, hoặc đưa con em mình về giao lưu cùng bọn trẻ trong chùa. Bé Ngọc giờ đã 2 tuổi, khỏe mạnh, chạy đi chạy lại theo chúng tôi. Bé Loan, bé Linh cũng thân thiết với chúng tôi hơn. Tất cả các bé đã chạy ra chơi với họa sĩ Nguyệt Thơ, Hoài Hương và tạo dáng để tay máy Đan Toàn bấm mà không còn e dè như một năm về trước.
Phút chia tay dự án thật bịn rịn. Sư thầy nói lời cảm ơn đầy lưu luyến và nước mắt như muốn trào ra. Trong giây phút xúc động đó, người phụ nữ nguyện một đời nương náu nơi cửa Phật và làm việc nhân nghĩa chợt bật ra câu nói: "Hoàn cảnh các cháu và chùa ai cũng biết, vậy mà các cháu không được miễn giảm nhiều khoản tiền đóng góp cho trường!?". Tâm sự này, chúng tôi xin chuyển tới Sở LĐ-TB&XH, xã Hương Ngải và chính quyền huyện Thạch Thất những mong các cơ quan chức năng "chung tay giúp sức" để sư thầy Thích Đàm Thúy "gánh" tiếp trọng trách nuôi những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trở thành công dân có ích cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.