Chính trị

Khát vọng vươn mình

Tùy bút của Bằng Giang 04/02/2025 - 16:36

Qua một năm vượt không ít chông gai để gặt lấy hoa thơm và quả ngọt, Hà Nội bước vào mùa xuân Ất Tỵ 2025 - một mùa xuân đổi mới, tràn trề khát vọng và đón kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bằng phong thái đĩnh đạc, tự hào của một Thủ đô “nghìn năm văn hiến”, “tụ khí anh hoa”!

khat-vong-vuon-minh.jpg
Ảnh: Lê Hoàng Vũ

1. Trên bản đồ hình chữ S thân yêu, từ dấu chấm tròn to, đậm, giữa châu thổ Bắc Bộ nhìn ra “tứ trấn” Đông - Tây - Nam - Bắc quanh thành Thăng Long, chúng ta có thể thấy rõ thế “nhìn sông, tựa núi”, càng hiểu rõ hơn lời giải cho bài toán lớn nhất và ý nghĩa nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Rằng, vì sao Lý Thái Tổ lại táo bạo thực hiện cuộc hành trình thiên lý vào mùa xuân năm 1010 - dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình lên Đại La - Thăng Long để “xây nền văn hiến”?

Quả nhiên, "tứ trấn" không chỉ xứng là "phên giậu" để Hoàng thành sau bao nhiêu chinh chiến vẫn bền vững, mà còn là mảnh đất hiếu văn thượng võ, thời nào cũng sản sinh những vĩ nhân, anh hùng hào kiệt, nhà khoa bảng, danh sĩ làm vẻ vang cho dân tộc. Vị thế của Thăng Long - Hà Nội kể từ năm 1010 đến nay đã một nghìn lẻ mười lăm năm, vẫn xứng là kinh đô bền vững của muôn đời!

Ở vào thế núi thế sông kỳ vĩ, con người kỳ vĩ, mảnh đất của “đế đô muôn đời” thực sự là “địa linh”. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh: Không có thử thách nào lại thiếu sự đồng cam cộng khổ; chẳng chiến công nào lại không kết tinh bởi trí tuệ, mồ hôi, máu và nước mắt của người dân để trụ vững ngàn đời!

Kể từ trận chiến trên sông Như Nguyệt bảo vệ kinh thành Thăng Long vào mùa xuân năm 1077, nhà Lý buộc nhà Tống phải thừa nhận quốc gia Đại Việt, cho đến trận "Ðiện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972 - thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ XX, đã có biết bao chiến công oanh liệt và hiển hách chống các thế lực ngoại xâm phong kiến của các đời Lý, Trần, Lê, Tây Sơn gắn với bao địa danh Ðông Bộ Ðầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử, Ngọc Hồi, Ðống Ða... của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đã trở thành bất tử!

Ở thời đại Hồ Chí Minh, để bảo vệ nền độc lập, tự do, người Hà Nội đã đoàn kết một lòng theo lời hịch non sông - "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 60 ngày đêm khói lửa vang vọng lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã trở thành biểu tượng của Thủ đô - biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả dân tộc cùng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm làm nên thiên sử vàng Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc hoàn toàn sự đô hộ của thực dân Pháp sau gần một trăm năm. Và nữa, để bảo vệ Thủ đô, người Hà Nội đã hạ gục "Pháo đài bay B52" của đế quốc Mỹ, làm nên kỳ tích "Ðiện Biên Phủ trên không", mở đường đi đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thêm một lần chứng minh chân lý “Thăng Long phi chiến địa/ Non nước thịnh mãi bền” - một kinh thành bách chiến bách thắng với bao điển tích vi diệu, muôn thuở oai hùng!

2. Sáu mươi năm sau hành trình dời đô của vua Lý Công Uẩn (1010) đến năm 1070 Văn Miếu được lập và chỉ 5 năm sau (1075), khoa thi đầu tiên đã được mở để chọn người hiền tài cho nước nhà. Một năm sau - 1076, vua Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám - một thiết chế văn hóa để chăm lo việc học, hun đúc nhân tài. Trải 10 triều đại phong kiến và thời hiện tại, nhân tài đều được coi là “nguyên khí của quốc gia”. Bởi vậy, tính từ khoa thi đầu tiên đời Lý - Lý Nhân Tông đến kết thúc chế độ khoa cử phong kiến đời Nguyễn - Nguyễn Khải Định (1919), Thăng Long “tứ trấn” có hàng trăm làng khoa bảng, trong đó có hơn 500 vị đại khoa, rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Quả là “địa linh, nhân kiệt”!

Thăng Long - Hà Nội được xây dựng bởi nền văn hiến nghìn đời và lịch sử dựng nước, giữ nước nghìn đời. Cho nên, Hà Nội sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dày đặc, được mệnh danh là một “bảo tàng” đa dạng, phong phú với 5.922 di tích văn hóa lịch sử mà tiêu biểu là Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành - Thăng Long, Văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - “ký ức thế giới” của UNESCO; Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Làng cổ Đường Lâm “một ấp hai vua”; Khu phố cổ Hà Nội cùng hàng trăm làng nghề truyền thống, hàng nghìn lễ hội dân gian… Thật không hổ là chốn “đế đô muôn đời”!

Sau hơn 16 năm Hà Nội mở rộng, đã thấy rõ sự kết hợp hài hòa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội và xứ Đoài - Sơn Nam Thượng làm nên một Thủ đô kết tinh phẩm giá Văn hiến - Anh hùng, trụ vững và phát triển. Như chiếc áo chật chội, Thủ đô giờ đây tựa chàng Phù Đổng vươn mình “tới nơi có núi, có đồi, có sông suối, đầm hồ nhìn sông tựa núi...”. Càng thấm tháp ý nghĩa của "Chiếu dời đô" và bài toán của cha ông!

khat-vong-vuon-minh-1.jpg
Hà Nội phát triển ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Zing

Không sai! Nếu nhìn ở tầm vóc, Hà Nội giờ đây đã lớn và hiện đại - theo đúng nghĩa: Rộng phạm vi, đông dân cư, cộng hưởng tiềm năng văn hóa - kinh tế - xã hội. Ý tưởng một Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" được nhen nhóm qua “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” giờ đây đã thành hình hài! Một không gian rộng lớn đã được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, bao gồm khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai và các trục hướng tâm, liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. 8 cây cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Đông Trù... vắt qua sông Hồng vươn tới mọi nẻo đường đất nước. Trong nội thành, ngày càng nhiều cây cầu vượt giống như vầng trăng giữa phố phường, giảm gánh nặng cho giao thông đô thị và từng bước thỏa mãn nhu cầu dân sinh, giữ nhịp sống yên bình. Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông; hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường Âu Cơ - Nghi Tàm, đường Xuân Diệu, cùng nhiều dự án công viên, vườn hoa, từng tháng từng năm mang lại diện mạo khang trang và tầm vóc hiện đại cho Thủ đô.

Rồi nữa, với sự đoàn kết và quyết tâm cao, Hà Nội đã, đang và sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện các tuyến đường sắt đô thị cùng 9 cây cầu mới hiện đại bắc qua sông Hồng sẽ hiện hữu trong nay mai, càng sáng rõ một Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, tương xứng với tầm vóc, vị thế và sứ mệnh lớn lao mà lịch sử giao phó.

3. Đi trên những nẻo đường xuân mà lòng đầy hãnh diện. Cho dù 2024 là một năm không ít khó khăn và thách thức, nhưng lần đầu tiên Thành phố Hà Nội thu ngân sách nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước; quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD, bình quân 163,5 triệu đồng/người. Đặc biệt, như Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định: Đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 100% mạng lưới nước sạch đến tất cả các xã, phường, thị trấn; trước ngày 2-9 sẽ bổ cập nước cho Hồ Tây, tạo đà làm "sống lại" các dòng sông nội đô, trước mắt là nhanh chóng "hồi sinh" sông Tô Lịch. Rồi Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065; những cơ chế, chính sách để tăng tốc, đột phá cho giai đoạn phát triển 2026 - 2030 gắn với "Tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu - tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội"; và nữa, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện 3 chuyển đổi (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng) cũng đồng thời triển khai đồng bộ.

Đó là hoa thơm và quả ngọt gặt hái từ sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Càng thấy rõ, một Hà Nội năng động đang rùng rùng chuyển động, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, mà Hà Nội - Thủ đô của cả nước luôn đầu tàu, gương mẫu.

Đường xuân rộng mở đón Ất Tỵ 2025 đến với khát vọng: Xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, hòa bình, hiện đại, phát triển - xứng đáng là trái tim của cả nước - động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, vùng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Đó là “đỉnh” trí tuệ, cho Hà Nội - “Mảnh đất đế đô muôn đời” bứt phá một cách ngoạn mục nhất, sinh động nhất!

Xuân khát vọng đang giục con tim và khối óc của hơn 8,5 triệu người dân Thủ đô chuyển mình mạnh mẽ, đưa tầng tầng lớp lớp giá trị kinh tế - văn hóa của Thăng Long Hà Nội thêm rực rỡ, giàu có, văn minh và nhất định tỏa sáng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng vươn mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.