Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng - nơi chia sẻ yêu thương

Bảo Hân| 12/11/2022 06:30

(HNM) - Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng (Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội) hiện là mái ấm thứ hai của hơn 200 hội viên đặc biệt - những người phải di chuyển bằng xe lăn. Tình yêu thương, sự thấu hiểu và sẻ chia đã gắn kết họ suốt hơn 4 năm qua để cùng xây dựng một cộng đồng ấm áp nghĩa tình, nơi khát vọng vượt qua bạo bệnh, hòa vào nhịp sống dung dị đời thường lớn hơn khi nào hết.

Các thành viên Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng học kỹ năng bán hàng trực tuyến.

Mái ấm gắn kết những người cùng cảnh ngộ

Thủ đô Hà Nội đang trong khoảnh khắc giao mùa. Trên con phố thơ mộng Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), chị Lương Thị Minh Nguyệt (50 tuổi, quận Thanh Xuân), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng cùng một số nữ hội viên khéo léo điều khiển vòng xe đến góc vắng ngập nắng. Khuôn mặt tươi rói giúp các chị lưu lại nhiều khoảnh khắc đẹp qua ảnh. Vẫn mang theo nụ cười rạng rỡ ấy, những ngày đầu tháng 11-2022, chị Nguyệt cùng các thành viên khác điều khiển xe lăn đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam để học về bán hàng trực tuyến… Cuộc sống của chị giờ đây ăm ắp những dự định, kế hoạch không chỉ cho riêng bản thân. 8 năm trước, sau biến cố vì bạo lực gia đình, chị mất 93% sức khỏe, chấn thương cột sống, phải gắn bó suốt đời với chiếc xe lăn. Những tưởng mọi thứ sụp đổ nhưng bằng ý chí, nghị lực, chị không chỉ lấy lại niềm vui sống cho mình mà còn san sẻ, giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ.

Không chỉ có chị Nguyệt, ở Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng, mỗi thành viên đều có những câu chuyện buồn, những góc khuất của riêng mình. Với anh Phạm Tuấn Kiệt (51 tuổi, quận Thanh Xuân), đó là bước ngoặt định mệnh khi từ một thanh niên khỏe mạnh, làm việc tại ngân hàng với tương lai sáng lạn bỗng dưng trở thành người bị liệt từ ức trở xuống bởi bệnh viêm tủy.

Ở tuổi đôi mươi, thế giới tưởng như đã đóng lại với Thanh Mai (huyện Sóc Sơn) sau một vụ tai nạn giao thông phải cưa bỏ cả hai chân. Người mẹ trẻ Minh Hương (quận Hà Đông) cũng sau một tích tắc va chạm giao thông đã vĩnh viễn mất đi khả năng đi lại bình thường. Hay anh Đông Phùng bị tai nạn lao động, ngã từ độ cao 12m, điện giật gây bỏng khắp cơ thể, gãy cột sống, đứt tủy, bị liệt chân…

“Họ đều đã trải qua quãng thời gian suy sụp, bất lực, chới với, thậm chí mất hết niềm tin vào cuộc sống, muốn buông xuôivới những suy nghĩ tiêu cực... Nhưng khi nỗi đau lắng xuống, mỗi người mỗi cách khác nhau đã nỗ lực, cố gắng vượt qua bi kịch của bản thân, thấy lại mục đích sống. Và cơ duyên đã gắn kết chúng tôi lại khi Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng ra đời vào ngày 8-12-2018. Chúng tôi, hơn 200 hội viên, may mắn và hạnh phúc khi có mái ấm thứ hai, nơi những người cùng cảnh ngộ thấu hiểu và sẻ chia, hỗ trợ và nâng đỡ cho nhau…”, anh Phạm Tuấn Kiệt, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng xúc động kể.

Hạnh phúc từ mỗi vòng xe

Tự hào về đơn vị trực thuộc thứ 48 của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Phan Thị Bích Diệp cho biết, Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng tuy còn “trẻ” nhưng đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Ban chủ nhiệm và nhiều thành viên câu lạc bộ đều là những người từng có công việc ổn định, mối quan hệ xã hội tốt với những kiến thức chuyên môn nhất định nên đã vượt qua khó khăn, tổ chức nhiều buổi giao lưu, gặp gỡ, biểu diễn văn nghệ…, giúp nâng cao đời sống tinh thần của hội viên. Câu lạc bộ còn là nơi vận động được các đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ xe lăn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là kết nối, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp phù hợp...

Do chấn thương cột sống là loại chấn thương vật lý cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài và đáng kể đến hầu hết các hoạt động của cuộc sống hằng ngày, nên người bệnh thường phải đối mặt với đau đớn thể xác, tinh thần... “Đáng sợ nhất là hầu hết người chấn thương cột sống đều bị "loét" vùng lưng hoặc bàn và gót chân do bị tì đè quá nhiều. Việc chữa trị không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tốn kém về vật chất. Do đó, một trong những hoạt động mà câu lạc bộ chăm lo nhất là chia sẻ các kiến thức về bệnh lý, thực hành các phương pháp phục hồi chức năng để giúp hội viên nâng cao sức khỏe, phòng, chống các di chứng”, anh Phạm Tuấn Kiệt cho biết.

Khi đã hòa nhập với nhịp sống thường ngày, nhiều thành viên của câu lạc bộ thường gặp phải những câu chuyện, tình huống éo le “dở khóc dở cười”. Đó là một số người luôn nhìn người điều khiển xe lăn bằng ánh mắt thương hại và mặc định việc chia sẻ là “dúi” những đồng tiền lẻ vào tay, tha thiết muốn họ nhận dù họ đã khéo léo từ chối. “Người khuyết tật nói chung và người gặp chấn thương cột sống nói riêng cần cái nhìn tôn trọng, hiểu biết và sự giúp đỡ tinh tế, chuyên biệt. Khi đã bước qua được giai đoạn khủng hoảng, sang chấn về tâm lý thì việc giúp họ có được một công việc phù hợp với thể trạng, đem lại nguồn thu nhập ổn định để có thể nuôi sống được chính bản thân, sau đó lo cho gia đình, con cái… mới là điều kiện tiên quyết giúp cuộc sống ổn định”, chị Lương Thị Minh Nguyệt phân tích.

Thấu hiểu điều đó, những năm qua, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng đã liên tục kết nối với các tổ chức, cá nhân để giúp người khuyết tật tận dụng mọi cơ hội tham gia vào những chương trình, dự án đào tạo kỹ năng làm việc và kết nối cơ hội việc làm. Trong đó, việc quảng bá, giới thiệu các kỹ năng bán hàng trên mạng là công việc qua thực tế đã chứng minh là phù hợp nhất với người gặp chấn thương cột sống.

Sau khi tham gia nhiều khóa học, được đào tạo về quảng cáo sản phẩm, chăm sóc khách hàng, bí kíp livestream (phát video trực tiếp) thu hút khách hàng…, khoảng 50 thành viên của câu lạc bộ đã duy trì đều đặn việc bán hàng trực tuyến. Trong số này, có những thành viên như chị Nguyễn Thị Diệp, chị Lê Diện, anh Phạm Công Hoàng… đều đã là những người bán hàng có tên tuổi, thậm chí gây dựng được sự nghiệp, cơ ngơi cho riêng mình. Bản thân chị Lương Thị Minh Nguyệt hay anh Phạm Tuấn Kiệt cũng đều có lượng khách hàng ổn định từ việc bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay đồ da… Khách hàng tìm thấy ở họ những sản phẩm hữu ích, chất lượng bảo đảm cũng như cách chăm sóc, tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp, đầy cạnh tranh, thu hút chứ không phải là mua “ủng hộ” bởi họ là những người bán hàng đặc biệt.

“Khiếm khuyết hay bất hạnh không phải là lý do để người ta từ chối cuộc sống, mà là động lực để thúc đẩy thay đổi chính mình sao cho phù hợp với cuộc sống mà thôi”, châm ngôn sống của chị Nguyệt giờ đây cũng là “kim chỉ nam” cho nhiều thành viên của câu lạc bộ. Dẫu biết cuộc sống phía trước còn nhiều thua thiệt, khó khăn, song như cái tên đặt cho câu lạc bộ, họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những khát vọng và nỗ lực mỗi ngày biến ước mơ thành hiện thực.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng - nơi chia sẻ yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.