Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khảo sát về hệ thống loa truyền thanh xã, phường: Còn nhiều ý kiến trái chiều

Việt Nga| 05/03/2017 07:20

(HNM) - Việc khảo sát ý kiến người dân về hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh xã, phường do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiến hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận...



Bỏ hay giữ hệ thống loa truyền thanh?

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ ngày 25-1 đến 25-2, Sở TT-TT đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân về hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố thông qua Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. Tính đến hết ngày 25-2, trong số 3.149 ý kiến nhận được có tới 89,65% cho rằng không cần thiết duy trì hoạt động của loại hình này; 3,68% cho rằng cần thiết, nên duy trì; 6,67% cho rằng cần thiết nhưng phải đổi mới.

Cùng với việc thăm dò ý kiến nhân dân, Sở TT-TT cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đồng thời, cán bộ của Sở đã tham dự các buổi họp với UBND một số phường trực tiếp nghe ý kiến người dân về hiệu quả hoạt động của hệ thống loa phường. Thông tin ban đầu cho thấy, tỷ lệ khá cao người dân đề nghị giữ loa phường và thay đổi nội dung thông tin.

Theo anh Nguyễn Thanh (44 tuổi, hiện đang công tác tại một tập đoàn viễn thông), nhà anh ở trong ngõ thuộc phường Văn Chương (quận Đống Đa), rất gần với hệ thống loa phường và cũng từng bức xúc khi loa phát sớm và âm lượng lớn ảnh hưởng tới sinh hoạt. Song anh thừa nhận, nhiều thông tin trên loa phường rất cần thiết, như thông báo tình hình an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh, thu tiền điện, nước hay lịch cắt điện, nước… "Nếu giữ lại hệ thống này thì nên cải tiến, chia nhiều loa công suất nhỏ, lắp đặt ở nhiều nơi, thay vì chỉ để một loa công suất lớn. Mặt khác, chọn phát thanh viên giọng chuẩn, không để tình trạng đọc ngọng rất phản cảm" - anh Thanh bày tỏ quan điểm.

Bà Đào Mai Sương, 64 tuổi, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 1, phường Phú La (quận Hà Đông) cũng cho rằng, hệ thống loa truyền thanh phường đang phát huy rất tốt vai trò vào công việc chung của tổ dân phố, như tuyên truyền chủ trương, chính sách mới, thông báo các hoạt động của tổ dân phố, khu dân cư. Vừa qua, UBND phường cũng tổ chức lấy ý kiến người dân về việc giữ hay bỏ loa phường, cơ bản người dân ở tổ dân phố số 1 đều bày tỏ quan điểm giữ lại. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lương Giáo (56 tuổi, tổ dân phố số 20, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) đề nghị, nên giữ lại hệ thống loa phường, chỉ cần điều chỉnh âm lượng và thời gian phát phù hợp.

Còn nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông Mai Liêm Trực lại cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh và ủng hộ quan điểm mạnh dạn bỏ loa phường.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới sáng 4-3, lãnh đạo Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT-TT) cho biết, việc giữ hay bỏ loa truyền thanh cơ sở do Hà Nội quyết định dựa trên căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả.

Cần có phương án thay thế

Một câu hỏi được đặt ra, giả sử dừng hoạt động hệ thống loa phường, vậy sẽ có phương tiện gì thay thế để đưa thông tin cần thiết đến người dân? Tuy chưa có quyết định chính thức giữ hay bỏ hệ thống loa phường, song thiết nghĩ đây là vấn đề quan trọng, cần chuẩn bị trước và sẵn sàng phương án để lựa chọn. Tại một số cuộc họp về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, lãnh đạo thành phố cũng đề cập đến phương án sử dụng thiết bị thông minh thay thế loa phường.

Mới nhất, trong thông báo của Văn phòng UBND thành phố về việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, UBND thành phố đã giao cho một số doanh nghiệp nghiên cứu, cung cấp thiết bị đầu cuối phục vụ người dân trên địa bàn có kết nối mạng (4G, wifi) để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền; đồng thời tích hợp các chức năng như dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, cung cấp thông tin thời tiết, chất lượng không khí...

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên chọn phương án cung cấp thiết bị đầu cuối cho các hộ dân vì yếu tố giá thành của thiết bị không thấp và chỉ phù hợp với các khu chung cư, khu đô thị tập trung có sẵn mạng nội bộ quản lý tại các tòa nhà… Thay vào đó, nên chọn phát triển phần mềm ứng dụng, người dân chỉ cần tải về điện thoại thông minh là có thể sử dụng dịch vụ, cập nhật thông tin.

Theo Sở TT-TT, kết quả khảo sát qua mạng về loa phường chỉ là một trong nhiều căn cứ khác nhau (như ý kiến của người dân tại các buổi khảo sát trực tiếp, ý kiến của chính quyền cơ sở...) để Sở TT-TT tổng hợp, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trước khi báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khảo sát về hệ thống loa truyền thanh xã, phường: Còn nhiều ý kiến trái chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.