Tiếp tục chương trình làm việc tại Hà Nội, ngày 23-10, Hội đồng Giám khảo quốc tế, Hội đồng Thủ công thế giới đã khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu.
Hội đồng gồm: Ông Aziz Murtazaev, Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Tiến sĩ Sitthichai Smanchat, Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công khu vực Đông Nam châu Á và bà Nadia Meer, Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới khu vực châu Phi….
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2023, UBND thành phố đã giao Sở ký kết Biên bản ghi nhớ với Hội đồng Thủ công thế giới. Để triển khai Biên bản ghi nhớ, năm 2024, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Sở đã phối hợp với Hội đồng Thủ công thế giới để công nhận các làng nghề của thành phố Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
Dịp này, Hội đồng Giám khảo quốc tế của Hội đồng Thủ công thế giới đã tới Hà Nội khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận một số làng nghề của Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
Làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống đã có hơn 1000 năm tuổi. Hiện, người dân Vạn Phúc dệt khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với những tên gọi khác nhau như băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế... rất tinh xảo. Không chỉ duy trì nghề, làng lụa Hà Đông cũng là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tại buổi làm việc, Hội đồng Giám khảo và các đại biểu đã nghe giới thiệu tổng quan về các làng nghề của Hà Nội và làng nghề dệt luạ Vạn Phúc. Sau khi làm việc tại hội nghị, các đại biểu đi khảo sát thực tế tại Trung tâm Bảo tồn và Phát triển lụa Vạn Phúc; tham quan, làm việc tại Hợp tác xã Vụn ART; Cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão; Công ty cổ phần Lụa Vạn Phúc và gặp gỡ những người thợ dệt, nghệ nhân của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.
Trước đó, trong 2 ngày 21 và 22-10, đoàn đã khảo sát tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.