Sau hơn 4 năm thi công, ngày 27-5 cầu Cao Lãnh - cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền huyện Lấp Vò và thành phố Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp chính thức khánh thành đưa vào sử dụng.
| ||
Dự án cầu Cao Lãnh có tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Việt Nam. Công trình do Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Bộ Giao thông - Vận tải (chủ đầu tư dự án), liên doanh với nhà thầu xây dựng Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C Việt Nam để xây dựng. Tư vấn giám sát thi công là liên doanh tư vấn quốc tế CDM SMITH Inc. (Mỹ) - WSP FINLAND Ltd (Phần Lan) - YOOSHIN Engineering Corporation (Hàn Quốc). Cầu khởi công vào tháng 10-2013, hợp long vào tháng 9-2017.
Theo thiết kế, cầu Cao Lãnh dài hơn 2,01km, nhịp chính dài 350m, bề rộng mặt cầu 24,5m, chiều cao thông thuyền 37,5m, trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, cao 123,4m, cầu có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80km/h.
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 35km về phía thượng lưu sông Tiền. Đây là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Cao Lãnh và tuyến kết nối có tổng chiều dài gần 21,45km, nối thông quốc lộ 30 với quốc lộ 54 của tỉnh Đồng Tháp.
Cầu Cao Lãnh đi vào hoạt động giúp người dân từ thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang rút ngắn khoảng 2 giờ. Niềm vui lớn nhất của bà con khu vực là đưa hàng hóa sang sông mà không cần chờ phà. Đặc biệt hơn, giúp Đồng Tháp thoát khỏi cảnh chia cách Nam sông, Bắc sông, nối vào tuyến đường Hồ Chí Minh liền Nam - Bắc.
Tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, kết nối cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống là dự án kết nối trung tâm đồng bằng với khu vực, là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng với việc phát triển của Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung góp phần nâng cao nâng lực cạnh tranh khu vực. Cầu Cao Lãnh là cầu dây giăng có kiến trúc đẹp công nghệ hiện đại, hoàn thành dự án mở ra ý tưởng mới từ Tây Nam bộ liên kết với các nước trong khu vực góp phần phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao cuộc sống người dân, đặc biệt giảm ùn tắc giao thông.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, cầu Cao Lãnh là hình mẫu trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Australia dành cho Việt Nam, là bằng nhân chứng sống động cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Australia, biểu tượng tốt đẹp thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia.
Để công trình phát huy hiệu quả - Phó Thủ tướng đề nghị Bộ giao thông - Vận tải chỉ đạo tổ chức khai thác, bảo trì cầu Cao Lãnh hiệu quả, thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng hai bên đường, giữ gìn vẻ mỹ quan, đảm bảo văn minh hiện đại, bảo đảm kết nối đồng bộ các công trình khác, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng của dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.