(HNM) - Hiện nay, kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt là xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị. Thế giới mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD để xử lý vấn đề này.
Nhiều người dân vẫn có thói quen mua thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ không có đơn của bác sĩ. Ảnh: Trung Kiên |
Chỉ ho cũng có thể... tử vong
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trong các cơ sở khám bệnh 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Điều đáng nói là có đến 98% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn. Ông Cao Thái Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, chưa ở đâu mua kháng sinh dễ như ở nước ta. Người bán thuốc đã bán kháng sinh không cần đơn lại còn khuyên người bệnh mua loại kháng sinh nặng hơn cho nhanh khỏi bệnh.
Trong khi các quốc gia phát triển đang sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo, đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện, đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. |
Với kinh nghiệm nhiều năm điều trị cho các bệnh nhi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, tình trạng các bậc phụ huynh lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh bừa bãi cho con em mình diễn ra khá phổ biến. Có đến 80-90% trẻ trước khi nhập viện đã được gia đình tự ý cho sử dụng kháng sinh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng dẫn chứng, ông và các đồng nghiệp đã từng dốc hết công sức điều trị cho một bệnh nhi mới 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ phải trải qua 2 tháng điều trị với các phác đồ kháng sinh liều cao mới thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Nguyên nhân do trước đó, gia đình đã tự ý cho con uống kháng sinh khi thấy xuất hiện triệu chứng sốt, tiêu chảy, ho. “Với những bệnh nhân đã kháng kháng sinh, sau này mắc các bệnh nhiễm trùng thì rất khó điều trị, dễ nguy hiểm đến tính mạng, thời gian điều trị kéo dài, tiền viện phí lớn…”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính cũng cho rằng, dù đã có quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn nhưng người bệnh vẫn có thể mua thuốc kháng sinh và nhiều loại thuốc khác trực tiếp từ các nhà thuốc bán lẻ. Thậm chí, thực tế hiện nay, chính nhân viên y tế cũng thiếu kiến thức sử dụng kháng sinh hợp lý. Ví như nhân viên y tế cho bệnh nhân dùng kháng sinh không cần thiết trong các trường hợp cảm cúm thông thường.
Một thực tế nữa, mặc dù việc giám sát sử dụng kháng sinh trên 1.000 bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh, huyện đã và đang được làm rất chặt chẽ nhưng với hơn 30.000 cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân thì rất khó có thể kiểm soát. Không ít bác sĩ chia sẻ rằng, tại các phòng khám tư, để “giữ chân” khách, bác sĩ đã dùng sớm kháng sinh mạnh dù người bệnh không nhiễm trùng mà chỉ là nhiễm siêu vi. Việc làm này đã vô tình gây kháng và nhờn thuốc, bỏ qua sự an toàn cho người bệnh.
Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở bất kỳ nhóm tuổi nào, tại bất kỳ quốc gia nào. Trong tương lai rất có thể sẽ xảy ra hiện tượng chỉ do triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
Tăng cường mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc
Để chống lại tình trạng kháng thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, Bộ Y tế đã thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020. Đã có 16 bệnh viện tham gia giám sát trọng điểm về kháng thuốc. Mạng lưới này có nhiệm vụ phân tích và báo cáo dữ liệu quốc gia về kháng thuốc, bao gồm: Giám sát sự kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn trên người; sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc mới hoặc bất thường; giám sát mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và vấn đề dịch tễ của vi khuẩn kháng thuốc… Đến năm 2020, Việt Nam phải xây dựng từ 30 đến 32 đơn vị hệ thống giám sát quốc gia.
Ông Cao Hưng Thái cũng đề nghị các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sử dụng thuốc tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân và các hiệu thuốc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thắt chặt việc quản lý bán thuốc theo đơn. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chế tài xử phạt với các hành vi dùng thuốc kháng sinh không đúng như cấm các dược sĩ không được bán thuốc kháng sinh cho người dân khi không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, do mức xử phạt rất nhẹ nên không đủ sức răn đe.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, đáng báo động hơn, do việc lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật cũng như cho mục đích kích thích tăng trưởng đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế, sử dụng thuốc hợp lý và an toàn trong cả khám chữa bệnh, trồng trọt và chăn nuôi, kế hoạch phòng chống kháng thuốc thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng Ngành Y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.