Chậm nhất 4 tháng nữa sẽ được xử lại (HNM) - Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy cả án sơ thẩm và phúc thẩm vụ xét xử bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu và đồng phạm tội
* Chậm nhất 4 tháng nữa sẽ được xử lại
(HNM) - Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy cả án sơ thẩm và phúc thẩm vụ xét xử bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu và đồng phạm tội "lập quỹ trái phép". Viện cũng cho rằng việc điều tra tiếp tội "tham ô tài sản" đối với bà Sương là không đúng quy định pháp luật.
Bà Trần Ngọc Sương. |
Xét chung toàn bộ vụ án, VKSND Tối cao nhận định, từ năm 2001 đến tháng 12-2007, bà Trần Ngọc Sương và 4 cán bộ dưới quyền (là phó giám đốc, kế toán, kế toán trưởng, thủ quỹ Nông trường Sông Hậu) trích nguồn thu của nông trường duy trì quỹ tiền mặt chi tiêu ngoài sổ sách, không báo cáo cơ quan chức năng là có thật. Việc điều tra, truy tố, xét xử bà Sương và đồng phạm về tội "lập quỹ trái phép" là đúng.
Tuy nhiên, khi xét xử, cả cấp sơ thẩm (TAND huyện Cờ Đỏ) và phúc thẩm (TAND TP Cần Thơ) đều có sai lầm, thiếu sót. Cụ thể, khoản thu hơn 2,6 tỷ đồng từ việc bán 4 lô đất, nguồn gốc các lô đất này là do ông Hoằng, cha bà Trần Ngọc Sương, mua từ năm 1993 và 1997. Số tiền này ông Hoằng đã đưa vào quỹ trái phép trước khi bà Sương lên làm giám đốc.
Do vậy, tòa hai cấp cho rằng thuộc trách nhiệm của bà Sương và đồng phạm là chưa có căn cứ.
Đối với khoản chi công tác phí trong và ngoài nước của bà Sương trị giá hơn 2,2 tỷ đồng, hồ sơ vụ án chỉ có bản kê của thủ quỹ về chi công tác phí có chữ ký của bà Sương, không có tài liệu xác định số lượng, tính chất, mục đích chuyến công tác, từng khoản chi phí cần thiết… Vì vậy, buộc bà Sương hoàn trả toàn bộ số tiền tạm ứng đi công tác mà không xem xét tính hợp lý là chưa chính xác.
Đối với khoản chi mua quà tết, sinh nhật cho bà Sương, trả lương kiêm nhiệm cho nhiều cán bộ nhân viên trong nông trường trị giá khoảng 1 tỷ đồng được xác định là sai quy định về chi tiêu tài chính. Tuy nhiên, VKS Tối cao cũng nhìn nhận, các khoản chi này có tính chất hỗ trợ liên quan đến cương vị công tác, hỗ trợ khó khăn cho gia đình có người đã chết; số tiền chi hằng tháng cũng không lớn nên cần xem xét lại để có quyết định xử lý cho thấu tình đạt lý.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, kiểm sát viên Viện KSND huyện Cờ Đỏ đề nghị tách khoản tiền hơn 300 triệu và 850 triệu đồng cáo trạng truy tố về tội "lập quỹ trái phép" để điều tra, xử lý tội "tham ô tài sản". Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận và quyết định theo đề nghị của kiểm sát viên, yêu cầu Viện Kiểm sát khởi tố để điều tra tội "tham ô tài sản" đối với bà Trần Ngọc Sương là không đúng quy định vì việc tách các hành vi phạm tội chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra, không thực hiện trong giai đoạn xét xử.
Quyết định kháng nghị nhận định, tất cả thiếu sót trên của tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm là nghiêm trọng. Do vậy, cần phải hủy cả bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra.
* Về việc VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Nông trường Sông Hậu, PV Hànộimới đã trao đổi với PGS-TS Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Luật sư Nguyễn Trường Thành (Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý - Cần Thơ) - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Sương xoay quanh quyết định này.
Về tội danh “lập quỹ trái phép”, PGS-TS Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, đã lâu lắm rồi từ khi bước sang kinh tế thị trường hầu như không còn xét xử tội danh này. Bởi lẽ, kinh tế thị trường gắn với tự chủ về tài chính, các doanh nghiệp được tự chủ về tài chính, tiền sử dụng như thế nào, cho vào quỹ nào là việc của doanh nghiệp, của người đứng đầu doanh nghiệp quyết định. Khi xem xét vụ án với tội danh này, ông Hải cho là các cơ quan tố tụng đã không đứng trên quan điểm nước ta đang phát triển kinh tế thị trường.
Ngoài ra, (theo ông Hải), Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định rằng, khi có sự thay đổi về tình hình, khiến hành vi vi phạm và người vi phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì được miễn trách nhiệm hình sự. “Trong trường hợp này, như đã phân tích bà Sương không phải là người có hành vi làm trái, không phải là người gây nguy hiểm cho xã hội, thậm chí bà ấy là Anh hùng Lao động, đạt rất nhiều thành tích với nhiều danh hiệu được phong. Vì vậy dư luận có quyền mong chờ một quyết định “mới và tốt hơn nữa” đối với bà Sương” - ông Hải nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm trên, chiều 7-4, Luật sư Nguyễn Trường Thành khẳng định với PV Báo Hànộimới rằng, quá trình điều tra vụ án có sai phạm. Đối với vụ án “Lập quỹ trái phép” mà tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử thì hồ sơ vụ án hoàn toàn không có các quyết định phân công phó thủ trưởng cơ quan điều tra chỉ đạo điều tra vụ án và không có quyết định phân công cho các điều tra viên nhiệm vụ điều tra vụ án. Mặt khác hồ sơ vụ án cũng không có quyết định phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án “Lập quỹ trái phép”. Theo quy định của Điều 34, 35, 36 và 37 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì đó là điều tra bất hợp pháp.
Nếu không có gì thay đổi, chậm nhất là 4 tháng nữa vụ án này sẽ tiếp tục được xét xử lại theo đề nghị của VKSND Tối cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.