(HNM) - Sự kiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa tìm thấy mộc bản khắc nguyên văn
Ảnh: Thanh Niên Online. |
(HNM) - Cách đây 1000 năm, đức Thái tổ Lý Công Uẩn đã chọn Thăng Long - Hà Nội làm nơi định đô. Vị thế của đất “làm kế cho con cháu muôn vạn đời” đã được khẳng định trong "Chiếu dời đô" (Thiên đô chiếu). Sự kiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa tìm thấy mộc bản khắc nguyên văn "Chiếu dời đô" của Đức vua Lý Thái Tổ thêm một lần khẳng định ý nghĩa, vị thế của đất Thăng Long - Hà Nội trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc.
Phát hiện mộc bản "Chiếu dời đô"
Sau khi tìm thấy tấm mộc bản khắc Chiếu dời đô vô cùng quý giá, chị Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TTLTQG IV) đã nghiên cứu nội dung Chiếu dời đô dưới dạng công trình khoa học. Theo công trình nghiên cứu của chị thì bản Chiếu dời đô mới tìm thấy nằm trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư (kỷ Lý Thái Tổ - quyển 2 - mặt khắc 2), thuộc khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn, đang được bảo quản tại TTLTQG IV, với ký hiệu H 31/8. Đây là bản khắc chữ Hán ngược, kích thước 41x21,2 cm, khuôn khổ in 29,5x20 cm. Bản Chiếu dời đô gồm 214 chữ, không kể phần chú thích, được bố cục chặt chẽ, lời văn khúc chiết, đầy sức thuyết phục.
Theo bản dịch nghĩa của chị Phạm Thị Huệ, phần mở đầu, Đức Lý Thái Tổ đưa ra một vài ví dụ chứng minh việc dời đô của các hoàng đế Trung Quốc xưa đã đem lại sự phồn thịnh cho đất nước, rồi nêu rõ mục đích và lợi ích của việc dời đô: “Mưu nghiệp lớn, chọn ở nơi chính giữa, dựng kế cho con cháu muôn đời; trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện lợi thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh” bởi “Thành Đại La... ở giữa khu vực đất trời, được thế rồng chầu - hổ phục, chính giữa nam - bắc - đông - tây, tiện nghi núi sau - sông trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa; dân cư không phải chịu khổ vì thấp trũng, tối tăm; muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh”. Từ đó, Đức vua khẳng định: “Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” và quyết tâm: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở”.
Từ kết quả nghiên cứu đó, chị Phạm Thị Huệ cho rằng: Rất có thể mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó khắc Chiếu dời đô của Đức Thái tổ Lý Công Uẩn đang bảo quản tại TTLTQG IV là bản khắc từ thời Lê (1697); cũng có giả thiết cho rằng Đại Việt sử ký toàn thư được khắc lại vào thời Nguyễn (khoảng từ 1802-1807), song dù là bản khắc từ thời Lê hay thời Nguyễn thì mộc bản Chiếu dời đô cũng là di sản tư liệu vô cùng quý giá.
Cần nghiên cứu kỹ hơn
Trao đổi với phóng viên Hànộimới chiều 5-8, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đánh giá: Lần đầu tiên phát hiện mộc bản Chiếu dời đô là sự kiện đáng mừng không chỉ với ngành văn thư - lưu trữ mà còn với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Bởi đây là cơ sở để phân tích, đánh giá, so sánh, đối chiếu với những bản khắc in Chiếu dời đô đã được tìm thấy và nghiên cứu trước đó; qua đó làm rõ hơn mục đích, ý nghĩa cũng như văn phong trong Chiếu dời đô của Đức Lý Thái Tổ. Tuy nhiên, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh lưu ý rằng, dịch nghĩa thành Đại La ở thế "rồng chầu, hổ phục" thay cho "rồng cuộn, hổ ngồi" như các bản dịch trước đây là chưa hoàn toàn chuẩn xác bởi hình ảnh "rồng" luôn gắn với thiên tử - vua, trong khi "rồng cuộn" mới thể hiện được dáng bay lên, thanh thoát, còn "chầu" thường để chỉ các bậc quan cấp dưới (vào triều để chầu). Từ sự phân tích đó, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh đề nghị các nhà khoa học nên bắt tay nghiên cứu mộc bản Chiếu dời đô mới được phát hiện này để xác định chính xác xem nó có từ thời Lê, hay thời Nguyễn. Nếu mộc bản có từ thời Lê thì đây sẽ là bản Chiếu dời đô cổ nhất tính đến thời điểm hiện nay.
Cùng quan điểm trên, song GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh tới việc bảo quản tư liệu mộc bản Chiếu dời đô nói riêng, mộc bản triều Nguyễn nói chung. GS Lưu Trần Tiêu cho biết: Mộc bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam thời phong kiến, song muốn đọc và hiểu được các nội dung khắc trên gỗ phải in ra thành sách. Vì vậy, nếu mộc bản không được bảo tồn nguyên vẹn đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, cùng với phương pháp, kỹ thuật bảo quản hiện đại thì chỉ có đội ngũ cán bộ lưu trữ vững chuyên môn, yêu nghề mới giúp cho di sản được bảo tồn một cách bền vững - GS Lưu Trần Tiêu khẳng định.
Mộc bản Chiếu dời đô mới được tìm thấy tại TTLTQG IV sẽ được Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước tặng Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Mộc bản triều Nguyễn là "Di sản tư liệu" đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là "Di sản tư liệu thế giới" vào ngày 30-7-2009. Mộc bản là những tài liệu gốc độc bản. Hiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đang lưu giữ 34.618 tấm mộc bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.