Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò động lực kinh tế

Lê Hoàn| 23/08/2011 07:14

(HNM) - Vượt lên những khó khăn do tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và cả những thách thức sau mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội từng bước khẳng định vai trò là hạt nhân, là động lực kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và cả nước.

"


Hà Nội sẽ mở rộng liên kết với các tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng, đưa rau an toàn vào siêu thị. Ảnh: Khánh Nguyên 

Nhận thức rõ vị trí chiến lược của vùng ĐBSH, vai trò Thủ đô đối với sự phát triển của cả nước, Hà Nội đã nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị thành những cơ chế, chính sách, chương trình hành động và tổ chức thực hiện. Việc đầu tiên Hà Nội ưu tiên thực hiện là xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch ngành. Sau khi mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008), TP đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển KT-XH Thủ đô đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đồng thời hoàn thành quy hoạch phát triển KT-XH của 19 huyện ngoại thành. Phương châm hành động được TP xác định rất rõ, tập trung khai thác tối đa nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức, doanh nhân, phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, tiết kiệm của nhân dân để xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH hiện đại, phát triển nhanh, đạt trình độ cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Cấp ủy, chính quyền TP đã đổi mới phương thức lãnh đạo, lựa chọn những khâu, những việc trọng điểm, cần kíp nhất (duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải tạo hạ tầng đô thị, nông thôn, nâng cao đời sống người dân) để chỉ đạo, điều hành. Nhờ đó, Hà Nội đã vượt qua khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, giải quyết thành công một khối lượng công việc lớn sau hợp nhất, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong 5 năm, TP đã xây mới được trên 11 triệu mét vuông nhà ở, đang triển khai xây dựng 47 cụm công nghiệp…, thu hút 2.361 dự án đầu tư… Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với 1.323 dự án.

Trước một khối lượng công việc lớn cần phải giải quyết, TP đã quyết định dành hơn 600 ngàn tỷ đồng (bằng 60% GDP) để đầu tư xây dựng hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn đồng bộ… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 790 dự án sử dụng ngân sách của TP được đưa vào sử dụng đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH, bảo đảm nhu cầu dân sinh. Kinh tế tăng trưởng khá, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, đặc biệt là ý đồ phát triển một đô thị theo hướng văn minh, hiện đại đã được Hà Nội thể hiện. Những kết quả quan trọng này tiếp tục củng cố vị thế của Thủ đô trong vùng, với cả nước và trước bạn bè quốc tế.

Tăng cường liên kết vùng

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, hiện TP đã ký kết hợp tác, phát triển toàn diện với 10 tỉnh, TP vùng ĐBSH. Sự liên kết thể hiện rõ nét trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Hà Nội đã phối hợp thiết kế quy hoạch một số huyện, dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung tại các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định; mở rộng các tuyến đường giao thông nối Hà Nội với các tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của Thủ đô và các địa phương này. Bên cạnh đó, Hà Nội chủ động giới thiệu một số doanh nghiệp của TP và một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài về đầu tư tại các tỉnh vùng ĐBSH. Hiện nay, khoảng 790 doanh nghiệp của Hà Nội (số vốn đăng ký 38.000 tỷ đồng) đang đầu tư tại các tỉnh ĐBSH, giải quyết việc làm cho 114.000 lao động. Chính quyền và các ngành chức năng của Hà Nội cũng sẵn sàng giúp các địa phương nâng cao công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, xây dựng quy hoạch khu, cụm công nghiệp, phát triển làng nghề, đào tạo nghề, các biện pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế… Đặc biệt, Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh… đã phối hợp tổ chức có hiệu quả mô hình kinh doanh siêu thị hiện đại. Một số doanh nghiệp của Hà Nội như Công ty Thương mại - Dịch vụ thời trang Hà Nội, Công ty Thủy Tạ, Công ty Thực phẩm Hà Nội đã xây dựng mối quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa với địa phương này.

Ngoài ra, Hà Nội còn tăng cường liên kết với các tỉnh, TP trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, văn hóa - xã hội. Sự liên kết này đã thúc đẩy sự phát triển không chỉ cho Hà Nội mà cho cả vùng ĐBSH, đúng như mục tiêu Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đặt ra. Chưa hài lòng với kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nhiều nguồn lực của Hà Nội chưa được khai thác hiệu quả, chưa xây dựng được mô hình phát triển, tăng trưởng kinh tế bền vững, nhất là mô hình liên kết vùng ĐBSH. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn bộc lộ một số yếu kém… Để khẳng định rõ hơn vai trò là hạt nhân và là động lực kinh tế trong vùng ĐBSH và cả nước, Hà Nội phải nỗ lực hơn rất nhiều. Trước mắt, Hà Nội cần tập trung quán triệt, triển khai "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tới các cấp, ngành, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch. Đặc biệt, Hà Nội cần tăng cường sự liên kết với các tỉnh, TP trong vùng ĐBSH, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện quy hoạch chung, đồng thời huy động các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng của Thủ đô tăng từ 40,8% lên 41,6%; ngành dịch vụ cũng tăng từ 52,3% lên 52,5%; nông nghiệp giảm từ 6,9% còn 5,9%; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,73%/năm; thu nhập bình quân đạt 36,79 triệu đồng/người/năm. Năm 2010, lần đầu tiên TP đạt mức thu ngân sách trên 100 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 20% của cả nước. Ngành dịch vụ - thế mạnh của Thủ đô - tiếp tục tăng hơn 10,35%/năm. Ngành công nghiệp đã phát triển theo hướng có chọn lọc. Hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội đã có mặt ở 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ 050 triệu USD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò động lực kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.