(HNM) - Như thường lệ, từ ngày mùng 6 đến 8 tháng Giêng hằng năm, Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại mở hội tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng).
Đông đảo du khách về dự lễ hội Đền Sóc 2010. |
Quần thể di tích Đền Sóc tại xã Phù Linh gắn với truyền thuyết Thánh Gióng cởi áo giáp sắt, nhổ cây tre ngà và cưỡi ngựa bay về trời sau khi đánh đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi nước Nam. Bởi thế, Hội Gióng ở Sóc Sơn có nhiều nét độc đáo, khác biệt so với Hội Gióng ở một số địa phương vùng Đồng bằng Bắc bộ. Lễ khai hội Đền Sóc bắt đầu từ nửa đêm ngày mùng 6 tháng Giêng với lễ khai quang (tắm tượng) Thánh Gióng. Mờ sáng, nhân dân các làng thuộc tổng Kim Anh xưa, huyện Sóc Sơn ngày nay là Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú vào Đền Thượng làm lễ dâng hoa tre. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài 50cm, đường kính 1cm, đầu vót thành tơ và nhuộm ngũ sắc, tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Làng Vệ Linh (xã Phù Linh) và Dược Thượng (xã Tiên Dược) là hai làng anh cả nên được dâng hoa tre trước, sau đó mới đến các làng Đông Đình, Xuân Bách, Hương Dịch…
Tấu xong ở Đền Thượng, hoa tre được rước xuống Đền Hạ và phát lộc cho người dự hội, ai được nhận người đó coi như may mắn cả năm. Chính hội là ngày mùng 7 - ngày Thánh hóa thì có tục "chém tướng". Ba cô gái đang tuổi cập kê của ba làng Yên Tàng, Mậu Tàng, Xuân Tàng (xã Bắc Phú) được làng cử ra đóng giả tướng giặc Ân. Từ đỉnh núi Mã, cờ lệnh phất, chiêng trống nổi lên, mỗi lần người đóng quân chém tướng vung gươm là một nữ tướng tháo chạy vào chỗ khuất, rồi có người nhà đến cõng về. Trò chém tướng diễn lại tích Thánh Gióng về đến chân núi Mã thì gặp ba tướng giặc Ân cuối cùng, Thánh bèn chém nốt, hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc. Ngoài ra, rước voi của làng Dược Thượng cũng là nghi lễ không thể thiếu trong ngày hội này. Lễ rước voi được thực hiện bởi 12 thanh niên khỏe mạnh, vừa đi vừa đánh trống, vừa hò reo vang dậy một vùng. Cụ Nguyễn Văn Lĩnh, một trong những cao niên làng Dược Thượng kể: Sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã cho tất cả binh sĩ trở về quê hương làm ăn, sinh sống, đồng thời ra lệnh thả hết voi và ngựa chiến về rừng. Nhưng vì thiếu hiểu biết nên nhân dân thôn Dược Thượng ngày ấy đã bắt giữ một con voi chiến. Biết là sai lầm, từ đó đến nay, người dân trong thôn đan một con voi bằng tre Đằng ngà, rước lên Đền Sóc trong ngày khai hội để trả lễ Ngài.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn, Hội Đền Sóc Xuân Canh Dần là một trong những hoạt động nổi bật của huyện Sóc Sơn hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; đồng thời bổ sung thông tin, tư liệu cho Hồ sơ Hội Gióng trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cho nên Hội được tổ chức công phu, chu đáo hơn. 100% trang phục, lễ phẩm, đồ thờ tự, đồ rước được trang bị mới; thành phần tham gia 8 đoàn rước (150 người/đoàn) cũng được chọn lọc kỹ lưỡng từ cơ sở; các hoạt động văn hóa, thể thao như đập niêu đất, bắt vịt, cờ bỏi, hát quan họ, ca múa tổng hợp, biểu diễn võ cổ truyền đã diễn ra an toàn, lành mạnh. Ông Thiện khẳng định, việc tổ chức tốt lễ hội Đền Sóc sẽ được duy trì trong những năm tiếp theo. Đây cũng là cảm nhận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng nhiều đại sứ các nước, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và khoảng 30 vạn lượt khách dự Hội Đền Sóc năm nay. Bà Catherin Muller - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: "Tôi rất ấn tượng với lễ hội Đền Sóc. Tham gia lễ hội tôi không những được hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội, mà còn nhận thấy cộng đồng rất tích cực tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để UNESCO xem xét công nhận một di sản văn hóa phi vật thể. Vì thế, tôi có thể khẳng định rằng Hồ sơ đề cử Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của các bạn có nhiều cơ hội chiến thắng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.