(HNM) -
Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH Tâm Hợp (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Điều này càng khẳng định trong những năm gần đây, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được quan tâm, đánh giá một cách đầy đủ hơn. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ thực tế đang đặt ra nhiều thử thách, nhất là cần có sự thay đổi về nhận thức, chính sách, pháp luật để khu vực kinh tế này phát huy được vị thế của mình...
Đi tiếp chặng đường dài
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận, kết quả kinh doanh tăng cùng niềm tin vào tương lai được củng cố. Đơn cử, có gần 50% DN tự tin vào xu hướng, kết quả kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới. Đây là điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu cả nước có 1 triệu DN vào năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng yêu cầu chính đáng của DN; trong khi chặng đường cải cách, với gánh nặng hoàn thiện chính sách, cơ chế luôn tạo áp lực không nhỏ. Số liệu thống kê cho thấy, tuy số DN mới đăng ký thành lập tăng khá mạnh và đều đặn những tháng gần đây nhưng số DN gặp khó khăn, rút khỏi thị trường cũng không ít. Điều đó cho thấy sức bền của DN nói chung, nhất là những đơn vị mới thành lập, có quy mô nhỏ rất thấp.
Một vấn đề đáng lo ngại khác, theo Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Hồ Sỹ Hùng, tình trạng số đoàn công tác thực hiện thanh tra, kiểm tra đến DN nhiều hơn 1 lần/năm, với nội dung chồng chéo, thiếu thuyết phục, gây phiền hà, mất thời gian cho DN không ít. Ngoài ra, một đại diện DN cho biết, nhiều chi phí không chính thức chưa được loại bỏ dứt điểm. Quá trình vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh vẫn đặt DN trước nhiều tình huống khó xử, phức tạp; các yếu tố, quy định bảo vệ DN, điều kiện để bảo đảm sự bình đẳng giữa các DN... vẫn là những tồn tại cần nhận diện rõ và sớm có biện pháp khắc phục.
Xác lập sự bình đẳng
Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua nêu rõ, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đây sẽ là kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của hệ thống cơ quan quản lý trong thời gian tới. Theo đó, kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; nhất là góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời tăng thu ngân sách và bảo đảm an sinh xã hội. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu xác lập sự bình đẳng cho DN tư nhân với DN thuộc các thành phần kinh tế khác để phát huy hết thế mạnh, sự năng động của khu vực này cũng như phòng, chống nguy cơ lợi dụng của DN nhà nước vì lợi ích nhóm...
Một diễn biến mới, có ý nghĩa thiết thực và gắn liền với mục tiêu phát triển DN tư nhân là hội nghị Thủ tướng với DN có chủ đề "Đồng hành cùng DN" sẽ diễn ra vào ngày 17-5 tới, thu hút khoảng 2.000 đại biểu, đại diện DN tham dự, tăng gấp 4 lần so với năm trước. Theo Văn phòng Chính phủ, việc mở rộng quy mô, thêm nhiều đại diện cơ quan quản lý, DN tham dự là nhằm thu hút được nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt là tiếng nói của DN.
Tại sự kiện này, Chính phủ sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; tiếp thu ý kiến, đề xuất của cộng đồng DN, trả lời công khai từ phía các cơ quan quản lý cũng như tìm giải pháp thúc đẩy phát triển DN trong thời gian tới. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng sẽ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến DN và khẳng định quyết tâm cao của Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy hành chính kiến tạo, hành động, vì DN cũng như xác định DN là động lực của nền kinh tế. Sau hội nghị, Thủ tướng sẽ có chỉ thị riêng về phát triển DN.
Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần kiên trì mục tiêu phục vụ DN, nhằm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ sẽ mở cửa cho DN tư nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực vốn chỉ DN nhà nước nắm giữ cùng với chủ trương khuyến khích DN tư nhân tham gia các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) kết hợp với thúc đẩy hoạt động xã hội hóa đầu tư. Như vậy, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, nhanh và thực chất hơn thông qua huy động và phát huy tác dụng nguồn vốn từ khu vực DN tư nhân, từ đó tạo ra sức cạnh tranh quốc gia cao hơn, hướng tới sự phồn vinh, bình đẳng, tiến bộ của xã hội.
Đảng, Chính phủ đặt kỳ vọng và quyết tâm thay đổi nhận thức của hệ thống cơ quan công quyền một cách mạnh mẽ, thực chất. Đó là phương châm tự giác phục vụ DN thay cho cách nghĩ, hành xử cũ là quản lý DN thuần túy như thời kỳ trước. Tầm quan trọng, sứ mệnh của khu vực DN tư nhân đã chính thức được xác lập một cách đầy đủ để thêm nhiều đơn vị ra đời, lớn mạnh và phát triển, từng bước đảm nhận tốt vai trò động lực của nền kinh tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.