(HNM) - Trở về sau chiến tranh, dù tuổi đã cao nhưng nhiều cựu chiến binh trên địa bàn thành phố vẫn đang khẳng định bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, tích cực đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ để xây dựng quê hương, đặc biệt là trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền.
Tiên phong gương mẫu
Những năm trước đây, việc tập hợp đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi uỷ, đảng uỷ cơ sở nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TƯ ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) ở Chi bộ khu dân cư số 1 phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) gặp rất nhiều khó khăn. Dù mỗi năm "sinh hoạt hai chiều" một lần nhưng chỉ có 3-4 đảng viên tham gia. Không khí các buổi họp còn thiếu cởi mở, chưa thực sự gắn kết.
Trước thực tế đó, cựu chiến binh Trần Bá Ca đã tiên phong làm Trưởng ban liên lạc đảng viên sinh hoạt theo Quy định 76-QĐ/TƯ. Một mặt ông vừa tuyên truyền, vận động đảng viên thuộc đối tượng trên, mặt khác, ông luôn có mặt ở các buổi họp của tổ dân phố để nắm rõ tình hình ở khu dân cư và truyền đạt đến từng đảng viên. Nhờ đó, cựu chiến binh Trần Bá Ca đã làm tròn vai trò cầu nối để các đảng viên hoạt theo Quy định 76-QĐ/TƯ có cơ hội được tham gia nhiều công việc chung của khu dân cư và dần xích lại gần nhau hơn. Đến nay, đều đặn mỗi năm, Chi bộ khu dân cư số 1 tổ chức 2 kỳ họp có sự tham gia ngày càng đông của đảng viên "sinh hoạt hai chiều".
Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, cựu chiến binh của huyện Phú Xuyên luôn có mặt kịp thời cùng chính quyền giải quyết các điểm "nóng", bức xúc trong nhân dân. Điển hình như khi xây dựng Trạm biến áp 110kv ở tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên; xử lý tranh chấp đất đai ở xã Phú Túc; xử lý 13 hộ dân xây dựng trái phép ở xã Phượng Dực…, các cựu chiến binh đã trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
“Huyện Phú Xuyên hiện có 853 cựu chiến binh đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, 208 đồng chí tham gia vào Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là lực lượng trực tiếp góp phần vào xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp của huyện vững mạnh”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Xuyên Phùng Văn Thảo khẳng định.
Tại quận Hai Bà Trưng, cựu chiến binh các cấp đã thành lập 20 đội “Xung kích tự nguyện”, phối hợp các lực lượng tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xử lý những vấn đề phức tạp tại địa phương. Hơn 1.200 lượt cựu chiến binh thay phiên nhau trực chốt ở các khu vực trọng điểm, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải tán nhiều vụ tụ tập đông người. Gần 3.000 cựu chiến binh đang đảm nhiệm các chức vụ trong hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng Ninh Công Vinh cho biết: “5 năm qua, cựu chiến binh đã cung cấp gần 4.500 nguồn tin cho công an, hòa giải thành công 443 vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giáo dục 316 đối tượng chấp hành xong án phạt tù và 48 người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng”.
Không ngừng cống hiến
Xác định tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị Thủ đô và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng nên 5 năm qua (2014-2019), cựu chiến binh Thủ đô đã tham gia 15.605 ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền; 7.566 ý kiến xây dựng các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong những dịp diễn ra các sự kiện quốc tế, lễ kỷ niệm trọng đại, các cựu chiến binh còn tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông.
Từ thực tế hoạt động của cựu chiến binh tại địa phương thời gian qua, ông Chu Hữu Canh, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) bày tỏ: "Các cựu chiến binh còn thể hiện bản lĩnh, kinh nghiệm của mình trong việc tích cực tham gia các ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân. Việc làm này đã góp phần công khai, minh bạch với nhân dân về các hoạt động của chính quyền cơ sở trong sử dụng tài chính công".
Không những vậy, cựu chiến binh tại các địa phương còn được huy động tham gia giữ vững trật tự, kỷ cương bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở. Tiêu biểu như mô hình “Câu lạc bộ thương binh 3 bánh” của cựu chiến binh quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho hội viên và ngăn chặn tình trạng giả thương binh làm việc phi pháp. Mô hình “Tổ cựu chiến binh là thương binh làm công tác dân vận” của quận Long Biên giúp địa phương ổn định tình hình an ninh trật tự. Mô hình “Cựu chiến binh tham gia giữ gìn trật tự giao thông giờ cao điểm” của quận Bắc Từ Liêm góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là trong giờ cao điểm...
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị Thủ đô, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Nghinh cho biết: “Là những người đã đi qua trận mạc, trở về với đời thường, mỗi hội viên khi tham gia giải quyết các vấn đề “nóng”, nhạy cảm đều lấy thuyết phục, vận động làm phương pháp chính. Ngoài ra, cựu chiến binh luôn đề cao trách nhiệm, gương mẫu, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi tham gia vào hệ thống chính trị ở địa phương”.
Thực tiễn đã chứng minh, sự tâm huyết, nhiệt tình của các cựu chiến binh Thủ đô đã củng cố lòng tin cho nhân dân và góp phần quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ Đảng, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.