(HNM) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc chiến tranh dài ngày, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Trong cuộc chiến tranh lâu dài ấy, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của chúng ta đã giải quyết tốt mối quan hệ đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và các mặt đấu tranh khác trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến tải đạn ra chiến trường. Ảnh tư liệu |
Truyền thống dựng binh "tìm sức mạnh trong nhân dân" đã giúp dân tộc ta đứng vững trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử. Từ khi Đảng ra đời lãnh đạo nhân dân ta, chiến tranh nhân dân đã phát triển lên trình độ mới, trở thành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, Người chỉ rõ: "Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn, không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó thì không thể thắng được…". Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người nhấn mạnh: "Động viên toàn dân đoàn kết chống Mỹ"; "Giáo dục nhân dân từ các cháu thiếu nhi đến ông, bà già về chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước không chỉ đóng góp sức người, sức của cho hoạt động chiến đấu của các lực lượng vũ trang, mà thực sự đã trở thành chủ thể chiến đấu của chiến tranh nhân dân ở cả hai miền đất nước. Ở miền Bắc, nghệ thuật chiến tranh nhân dân thể hiện rõ khi quân đội đã tham gia cùng toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc "hậu phương lớn" miền Bắc, chi viện cho "tiền tuyến lớn" miền Nam. Nhân dân tham gia vào các hoạt động phòng thủ dân sự, phục vụ chiến đấu và vũ trang chiến đấu, tạo lưới lửa phòng không nhân dân nhiều tầng và rộng khắp chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Trong điều kiện chiến tranh, mọi hoạt động của miền Bắc đã chuyển hướng chiến lược với tinh thần "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Chỉ tính riêng ngành giao thông vận tải những năm địch đánh phá ác liệt nhất (cao điểm là năm 1968) đã có trong biên chế chính thức trên 120.000 người, đó là chưa kể hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được huy động tham gia bảo đảm giao thông. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tuyến vận tải quân sự Trường Sơn đã vận chuyển 1,85 triệu tấn vật chất hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật chi viện tới các chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia; bảo đảm hành quân cơ động, đưa đón hơn một triệu lượt người vào, ra hai miền Nam - Bắc.
Ngay trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972 trên bầu trời Hà Nội - Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, cùng với các đơn vị phòng không, không quân chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ là lực lượng tại chỗ đánh máy bay địch bay thấp, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng, bắt giặc lái nhảy dù. Ngoài ra, nhân dân còn cùng dân quân, tự vệ san lấp hố bom, sửa chữa sân bay, làm trận địa tên lửa cao xạ, ra đa, ngụy trang, cất giữ vũ khí, khí tài, đào hầm trú ẩn, cấp cứu, cứu thương... Trong chiến dịch, ta đã tổ chức 364 phân đội dân quân, tự vệ với 1.428 khẩu pháo và súng máy phòng không các loại, tổ chức trên 100 trận địa pháo phòng không, 36 đài quan sát xa, 414 đài quan sát bổ trợ, tạo thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp. Với thế trận chiến tranh nhân dân và cách đánh thông minh sáng tạo, kết thúc chiến dịch, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52; buộc địch phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam, đánh dấu sự thất bại thảm hại của một bộ phận quan trọng trong chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ...
Ở miền Nam, đối mặt trực tiếp với Mỹ và chư hầu, mọi tầng lớp nhân dân, từ các cụ già, em nhỏ đến những đội quân tóc dài, những đội biệt động thành… đều tham gia chiến đấu. Ngay từ cuối năm 1959 đến năm 1960, phong trào Đồng khởi nổ ra đồng loạt trên quy mô rộng lớn ở nông thôn đồng bằng Nam Bộ và miền núi Nam Trung Bộ đã làm cho Mỹ - Diệm bất ngờ. Tính đến cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở địch ở nông thôn. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, đồng thời làm tê liệt chính quyền Mỹ - Diệm ở hầu hết các xã khác. Cùng với sự hỗ trợ từ hậu phương lớn miền Bắc, các binh đoàn chủ lực thực hiện phương thức tác chiến kết hợp với chiến tranh nhân dân địa phương; đánh địch bằng ba mũi giáp công: Chính trị, quân sự, binh vận; trên cả ba vùng chiến lược: Thành thị, nông thôn và miền núi. Đấu tranh quân sự được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Tất cả tạo thành sức mạnh tổng hợp làm phá sản các chiến lược: "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh", kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi ta mở Chiến dịch Tây Nguyên, các tỉnh trên địa bàn đã huy động 7 vạn dân vùng giải phóng, ngày đêm phục vụ chiến dịch như: Tham gia làm đường, sửa đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, dẫn đường... Gần 100 tự vệ và cơ sở mật trong thị xã Buôn Ma Thuột ra ngoại ô đón và dẫn đường cho các đơn vị bộ đội chủ lực đánh vào thị xã. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển sang giai đoạn tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ phối hợp với bộ đội chủ lực bao vây Mỹ Tho, Cần Thơ, cắt đứt đường 4 trên nhiều đoạn. Sau khi Sài Gòn giải phóng, bộ đội địa phương, dân quân, du kích Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với lực lượng chủ lực đồng loạt tiến công, kết hợp với hàng chục nghìn quần chúng nổi dậy giải phóng thành phố, thị xã, chiếm các căn cứ quân sự, tiêu diệt và buộc các đơn vị quân khu 4 ngụy nộp vũ khí đầu hàng; đánh đổ hoàn toàn ngụy quyền từ cấp tỉnh đến xã, giải phóng Đồng bằng Nam Bộ và các đảo...
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: "Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã phát triển đến đỉnh cao, nhất là nghệ thuật tác chiến chiến dịch, chiến lược và sự chỉ đạo phối hợp tác chiến giữa các chiến trường". Những bài học kinh nghiệm trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân cách đây 40 năm đang được tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.