Chiều 22-10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành chức năng nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất.
Theo báo cáo của các bộ, ngành chức năng, từ đầu năm 2021 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh (tháng 3, 4-2021 giá 70.000-75.000 đồng/kg; tháng 8, 9-2021 giá còn 42.000-50.000 đồng/kg; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg). Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Giá sản phẩm chăn nuôi nói chung và giá lợn hơi nói riêng vẫn đang ở mức thấp, người chăn nuôi thua lỗ, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung trong những tháng tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2022 nếu không có giải pháp phù hợp, hữu hiệu...
Tại cuộc họp, các ý kiến đã đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ những khó khăn cho chăn nuôi lợn, giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, có điều kiện tái đàn.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. Dù vận hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan nhà nước.
Khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ khẩn trương đưa ra giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, bảo đảm lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính. Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị; thanh, kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có. Bộ NN&PTNT tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.