Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Hữu Hoài, Chí Đạo (tổng hợp)| 26/08/2010 06:51

9 người chết, 14 người mất tích, 57 người bị thương Đường đi không quá phức tạp, khi đổ bộ vào đất liền tan nhanh nhưng bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản ở những khu vực nó quét qua. Trong ngày hôm qua (25-8), các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã huy động mọi lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng, bị thương và mất tích; nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.


Nỗ lực tìm kiếm cứu nạn


Cán bộ và nhân viên Bệnh viện đa khoa TP Vinh khẩn trương thu dọn cây đổ
để tiếp đón bệnh nhân ngay trong sáng 25-8. Ảnh:  TTXVN

Đến 20h tối qua (25-8), thống kê của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, bão số 3 đã làm 9 người chết, 14 người mất tích, 57 người bị thương và gây thiệt hại lớn về tài sản, lúa và hoa màu. Trong đó, lo ngại nhất hiện nay là việc tìm kiếm 10 người mất tích trên tàu cá ĐN 61406 TS của Đà Nẵng do ông Trần Út, trú tại tổ 36, Nại Hiên Đông, Sơn Trà, bị mất tích ngày 23-8 do chết máy trong khi tìm đường tránh bão. Ngày 25-8, mặc dù Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia đã điều trực thăng ra biển tìm kiếm song vẫn chưa thấy 10 ngư dân mất tích cùng chiếc tàu này. Theo ông Văn Thanh Quảng, Bí thư phường Nại Hiên Đông, nhiều khả năng tàu đánh cá của ông Trần Út bị đắm, hiện mới tìm thấy mấy mảnh áo của các ngư dân. Đến chiều tối cùng ngày, các lực lượng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hy vọng những ngư dân trên tàu còn sống sót. Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cũng cho biết hiện một tàu với 3 người của tỉnh Thanh Hóa liên tục phát tín hiệu cấp cứu do gặp nạn trong bão.

Sáng 25-8, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã có cuộc họp khẩn, yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng liên quan tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình người bị nạn, tổ chức giúp dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục nhanh sự cố về điện, viễn thông, thu dọn cây gãy đổ, giải tỏa ách tắc giao thông, bơm tiêu úng, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; đồng thời chủ động sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ ngập lụt, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và kiểm soát các bến đò ngang; triển khai công tác phòng, chống lũ theo cấp báo động, đặc biệt các sông từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu khẩn trương tìm kiếm tàu cá với 10 ngư dân của Đà Nẵng và tàu hàng với 3 thuyền viên của Thanh Hóa.

Khẩn trương giúp dân ổn định cuộc sống


Công nhân Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc phối hợp với Chi nhánh điện Quỳnh Lưu khắc phục sự cố điện sau cơn bão. Ảnh:  Ngọc Hà

Tâm bão số 3 đổ bộ vào phía bắc TP Vinh, huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An với sức gió cấp 9, mưa to liên tục. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Nghệ An, đến 20h tối qua (25-8) đã có 6 người chết (huyện Quỳnh Lưu 3 người, Nghi Lộc 1, Diễn Châu 1, Yên Thành 1), 43 người bị thương; 295 ngôi nhà sập đổ, 16 trường học và 31.535 nhà tốc mái; 32 tàu thuyền bị chìm; 36.258 ha lúa bị ngập (trong đó mất trắng 8.378 ha); 5.790 ha ngô, 826ha lạc, 465.000 cây công nghiệp và cây ăn quả bị đổ gãy; 4.254 ha rau màu bị vùi nát; 206.636m3 công trình thủy lợi và 168.943m3 đường giao thông bị sạt lở; 7.771 cột điện cao thế, hạ thế bị nghiêng, đổ... Tỉnh Nghệ An đã cử các đoàn cán bộ đến các gia đình có người bị chết, bị thương, thiệt hại nặng thăm hỏi, động viên; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, khắc phục tình trạng mất điện. Trong ngày hôm qua, Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An phối hợp với các đơn vị chức năng điều động người, phương tiện đến các điểm sạt lở, hư hỏng ở km67+500 trên tuyến quốc lộ 46, cầu Phương Tích trên tỉnh lộ 534 và nhiều tuyến đường khác ở miền núi để khắc phục sự cố... Thế nhưng nhiều diện tích lúa, hoa màu và đầm nuôi trồng thủy sản vẫn chưa thể khắc phục do nước ngập quá sâu.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, bão số 3 đã làm 1 người chết, 2 người mất tích, 12.000 ha lúa hè thu bị ngập nặng, hàng nghìn hécta hoa màu, cây ăn quả bị đổ gãy. Địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện ven biển Lộc Hà, có 3 người bị thương, 562 ngôi nhà, phòng học, trạm y tế bị đổ, tốc mái; trên 2.600 ha lúa hè thu bị ngập; 19 cầu cống, đường giao thông bị hư hỏng nặng. Huyện Lộc Hà đã huy động lực lượng xung kích phối hợp với các địa phương giúp dân dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống và sửa chữa lại trường học để chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Ở Thanh Hóa, sau khi cơn bão đi qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tiêu úng ở vùng trũng, thấp, quyết không để diện tích lúa đã trỗ và đang làm đòng bị ngập úng quá 2 ngày. Để đối phó với hoàn lưu sau bão, UBND tỉnh đã yêu cầu các lực lượng thường trực kiểm tra, rà soát công trình đê điều, hồ đập, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố xảy ra, bảo đảm an toàn cho công trình. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai chống úng cứu 2.500 ha lúa hè thu bị ngập khá quyết liệt tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang. Huyện Phong Điền đã huy động 10.000 bao cát đắp 1.800m đê bao nội đồng, 300m3 đất, đá chống ngập úng; 12 xe cơ giới, 1.000 người dân đắp 4.000m đê chống úng bảo vệ 500 ha lúa ở các xã Phong Bình, Điền Hương và Điền Lộc. Về thiệt hại, theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, bão đã làm 11 người bị thương (trong đó có 6 em học sinh, 5 người dân ở các xã Phú Diên, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang); 312 căn nhà tốc mái và hư hại nặng; 7 thuyền đánh cá bị chìm. Trong khi đó tại tỉnh Quảng Bình cũng có 2 người chết; 2 người mất tích là anh Cao Văn Hoàng và Cao Văn Hưu trú quán tại thôn Kim Trung, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa. Hiện nay tỉnh Quảng Bình vẫn chưa thống kê được thiệt hại do bão số 3 gây ra. Khắc phục hậu quả bão lũ, Đồn Biên phòng 585 đã chuyển 30 tấn gạo, muối và một số nhu yếu phẩm về một số bản trong tỉnh để hỗ trợ người dân.

Khắc phục nhanh sự cố điện
(HNM) - Theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC), đến 20h45 ngày 24-8, các trạm Thanh Chương, Tương Dương, Đô Lương đã khôi phục cấp điện trở lại; 23h cùng ngày, các đường dây Nghi Sơn - Ba Chè; Nghi Sơn - Tĩnh Gia đã được khôi phục. Đến 6h 30 sáng 25-8, tất cả các đường dây và TBA 110kV khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đã khôi phục đóng điện. Các đơn vị điện lực đang tập trung nhân lực kiểm tra và xử lý sự cố trên các đường dây hạ thế để cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho khách hàng.

Thanh Mai


Đề phòng lũ quét, sạt lở đất
Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, tổng lượng mưa đo được do bão số 3 gây ra phổ biến ở mức 100 - 200mm, riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh 200 - 250mm, một số nơi mưa tới 400mm… Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thanh Hóa dự báo có thể mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương khắc phục hậu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.